Khi công chức ‘hành là chính’ thì đành ‘lách là nhanh’?

29/07/2018 18:27:30

Trong cải cách hành chính, bất kì ai cũng có thể trở thành một tác nhân của sự thay đổi, chứ không chỉ trông chờ tất cả vào các động thái từ phía Nhà nước.

Mới đây, lần đầu tiên tôi tới Mỹ và có cơ hội trao đổi trực tiếp với hàng chục cơ quan nhà nước, cùng nhiều tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực tại 5 bang đại diện từ Đông sang Tây.

Trước chuyến đi, tôi vẫn thường rất băn khoăn vì sao liên quan đến bảo đảm minh bạch, trách nhiệm trong quá trình thực hiện công vụ của các nhân viên nhà nước, về mặt khung pháp lí Việt Nam và Hoa Kì có những nội dung, yêu cầu, quy định,... tương đối giống nhau, nhưng ở ta lại bị chỉ trích nhiều. Thời gian ở đây giúp tôi sáng tỏ được ít nhất ba vấn đề.

Thứ nhất, là khác biệt về tư duy. Có lẽ do những trải nghiệm trong nhiều thời kì lịch sử khiến cho tâm lí bài trừ "phép vua" để dụng "lệ làng" vẫn còn dấu ấn rõ nét, cộng thêm những hệ quả trầm trọng của tệ quan liêu hành chính thời kì trước Đổi mới, khiến hầu hết người Việt có ác cảm với các loại “thủ tục hành chính”, coi nó như “hành là… chính”.

Với tâm thế đó nhiều người coi nhẹ việc tìm hiểu nội dung các quy định pháp luật, dẫn tới những vi phạm do không biết luật, hoặc biết nhưng không hiểu, hiểu nhưng không đầy đủ, thậm chí hiểu đầy đủ nhưng cố tìm kế “lách”.

Về phía chính quyền, dường như quá rõ sự e ngại này, nên đã có những nỗ lực cải cách hành chính nhằm giảm/ bãi bỏ các thủ tục “rườm rà, không phù hợp”. Việc này là cần thiết, nhưng có thực sự “càng ít càng tốt”?

Quan sát người dân và chính quyền Mỹ, tôi nhận thấy họ quan niệm việc đặt ra các thủ tục, các quy trình càng chi tiết và đơn giản sẽ càng giúp những người tham gia vận hành bộ máy bảo đảm được tính khách quan. Một công việc hành chính sẽ được thực hiện bởi những bộ phận hay cá nhân nào, trong thời gian bao lâu, cần hoàn thiện những gì trước khi chuyển tiếp cho các bộ phận khác xử lí, trách nhiệm cá nhân nếu không tuân thủ,... đều được quy định chi tiết.

Có một cảm nhận rất rõ rằng, mọi con người nơi đây đều hoàn toàn chủ động vận hành các mối quan hệ của họ dựa trên những quy tắc đã định sẵn bằng văn bản cho từng tiểu tiết, dù đó là công chức hay một công dân bình thường. Như thế, cái lợi trước mắt là không công chức nào có thể tự vẽ ra các thủ tục, yêu cầu, quy trình mới để nhũng nhiễu. 

Khi công chức ‘hành là chính’ thì đành ‘lách là nhanh’?
Khi các quy định rõ ràng, chi tiết, công chức không dễ dàng nhũng nhiễu. Ảnh minh họa

Tư duy coi trọng việc quy tắc hóa đến từng tiểu tiết như vậy không chỉ giúp các thiết chế giám sát có thể dễ dàng tìm ra chính xác thời điểm và chủ thể đã vi phạm các quy trình (để truy cứu trách nhiệm), mà còn có cái lợi là khi tuyển dụng nhân sự mới, họ không mất công “đào tạo” về quy trình nghiệp vụ như ở ta. Hơn nữa, quy trình này là “giấy trắng mực đen” rất rõ ràng, chứ không phải kiểu quy trình từ “kinh nghiệm truyền miệng” của những người đi trước.

Những nhân viên mới ở Việt Nam thường sẽ phải mất vài tháng, thậm chí đến cả năm để tiếp thu được hết các quy trình “truyền miệng” từ những người đã hoặc đang đảm nhận công việc tương tự. Hệ quả thì có nhiều, nhưng điển hình và gần nhất có thể thấy từ vụ án ở bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Khi còn duy trì những quy trình “truyền miệng”, thì có sự vụ xảy ra rất khó xác định chính xác trách nhiệm.

Thứ hai, là về cách thức xây dựng các quy tắc pháp lí liên quan đến trách nhiệm và đạo đức công vụ. Nếu đọc các văn bản pháp luật ở Việt Nam về tổ chức và hoạt động của các cấp chính quyền (các đạo luật, văn bản dưới luật,....) sẽ không khó để thấy các quy định về mặt này.

Tuy nhiên, những quy định đó dù hết sức đúng đắn và cần thiết, lại khó áp dụng được trực tiếp, vì đều quá chung chung, khó xác định, thậm chí gây tranh cãi. Ví dụ, về yêu cầu nhân viên công vụ không được nhận “quà” trong quá trình thực hiện công vụ. Ở ta không có quy định chi tiết hơn nên thật khó để phân biệt “quà” được phép nhận và “quà” không được phép nhận, trong khi chắc chắn việc “cấm tiệt” nhận quà là bất khả thi. Vì lí do đó mà ở ta có nhiều việc dở khóc dở cười. Ví như truyền thống chúc Tết thường bị lạm dụng để biếu xén, nhưng xử trí ra sao cho hiệu quả cũng chẳng đơn giản.

Nhận thức được việc này nên người Mĩ luôn cố gắng định rõ các trường hợp được phép nhận và ngoài ra sẽ bị coi là bất hợp pháp. Bên cạnh việc lập ra những quy tắc theo tư duy đã nói ở trên, như ở bang Idaho, luật yêu cầu mọi công chức mới được tuyển dụng phải trải qua một lớp đào tạo về đạo đức công vụ chung, và tùy vị trí chuyên môn có thể tiếp tục phải học thêm lớp đào tạo khác về đạo đức của chuyên môn đó.

Tất cả các khóa đạo tạo như vậy phải được cấp chứng chỉ và nộp về cơ quan làm việc. Ngay cả khi đã hoàn thành các khóa học về đạo đức nghiệp vụ, mỗi công chức trước khi chính thức nhận việc lại phải thực hiện một thủ tục rất nghiêm trang – tuyên thệ. Nội dung tuyên thệ cũng được định rõ trong luật của bang chứ không phải mỗi người tự chuẩn bị theo ý riêng.

Khi công chức ‘hành là chính’ thì đành ‘lách là nhanh’? - 1
Thật khó để phân biệt “quà” được phép nhận và “quà” không được phép nhận, trong khi chắc chắn việc “cấm tiệt” nhận quà là bất khả thi. Ảnh minh họa

Thứ ba, là thái độ của người dân đối với những điểm hạn chế từ phía chính quyền, rộng hơn là "niềm tin". Phải thừa nhận rằng người Việt ít khi lựa chọn cách phản ứng theo quy trình đã định bởi pháp luật, thay vào đó lại chọn cách không tuân thủ thực hiện những quy định, yêu cầu bị cho là sai trái của chính quyền. Thậm chí có trường hợp còn “tỏ thái độ” hoặc có hành vi chống đối lực lượng thi hành công vụ. Thái độ này cũng một phần do tư duy của người Việt như đã nói phần đầu, cũng phần nào do cách thức lập pháp/lập quy ở ta còn quá nhiều mà thiếu, quá rộng nhưng chưa đủ sâu.

Ví dụ phổ biến có thể thấy trong lĩnh vực giao thông. Khi nghi ngờ lực lượng chức năng lạm quyền, nhiều người không tuân thủ yêu cầu xuất trình giấy tờ, mà đòi hỏi lực lượng chức năng phải trình cái nọ, cho thấy cái kia. Người ta quên mất rằng họ được pháp luật bảo vệ bằng cơ chế khiếu nại và khởi kiện. Khi thực hiện các cơ chế đó, nếu lực lượng chức năng lạm quyền (như tuần tra không theo chuyên đề, không có bằng chứng vi phạm,....) thì họ sẽ bị xử lí và người dân vẫn được nhận lại các chi phí (như tiền phạt đã nộp) và cả bồi thường thiệt hại.

Đa phần sẽ lấy lí do về sự yếu kém của các cơ chế khiếu nại, khởi kiện hoặc sự bao che,... Tâm lí đó có nguyên do, nhưng nếu con người cứ giữ mãi sự hiềm nghi như vậy thì rất khó để thúc đẩy thượng tôn pháp luật trong xã hội.

Chính vì niềm tin từ mỗi người dân nên dù có nhiều chính sách bị phản đối, chính quyền Mỹ vẫn dễ dàng chấp nhận việc bất kì cá nhân nào đứng trước cửa (cách hàng rào) Nhà Trắng để bày tỏ sự phản đối. Tôi đã gặp và nói chuyện với một người đàn ông đã ngoài 70 vẫn kiên trì đứng ở đó mỗi ngày chỉ để giăng tấm biển phản đối chính sách về quản lí súng đạn. Một người khác ẩn mình giữa hàng loạt tấm bìa có nội dung phản đối chính sách với Pakistan, kêu gọi dừng các cuộc chiến tranh, v.v...

Cả ba khác biệt trên đều có mối liên hệ mật thiết với nhiều khía cạnh khác mà ta không thể giải quyết riêng lẻ được. Nhưng chắc chắn rằng, mỗi sự thay đổi đều phải đến từ nhiều phía. Trong lĩnh vực cải cách hành chính cũng vậy, bất kì ai trong chúng ta cũng có thể trở thành một tác nhân của sự thay đổi chứ không chỉ trông chờ tất cả vào các động thái từ phía Nhà nước.

Nguyễn Anh Đức, Giảng viên Khoa Luật, ĐHQGHN

Theo VietNamNet

Nổi bật