Khát nước sạch, 1.700 hộ dân thủ đô bơm nước ao tù sinh hoạt

06/05/2015 19:29:29

5h sáng, ao sen làng Ngọc Than tấp nập như trẩy hội. Ở nơi chỉ cách trung tâm Hà Nội hơn 20 km, chục năm nay, ngày ngày người dân vẫn xách thùng ra ao gánh nước.

5h sáng, ao sen làng Ngọc Than tấp nập như trẩy hội. Ở nơi chỉ cách trung tâm Hà Nội hơn 20 km, chục năm nay, ngày ngày người dân vẫn xách thùng ra ao gánh nước.

Kẽo kẹt bên chiếc xe bò, ông Nguyễn Văn Tổng (64 tuổi, trú xóm Mỗ) múc từng thùng nước dưới ao đổ vào thùng phuy. Phải mất nhiều lần, người đàn ông này mới đổ đầy thùng nước 100 lít rồi kéo xe gần nửa km về nhà. Nước ao sau đó được đổ vào bể trước sân, bơm lên bể lọc.

Sau vài tiếng, toàn bộ số nước ông cất công đi lấy mới được lọc xong để dùng rửa thức ăn, nấu nướng. Bình quân mỗi tuần ông Tổng mất 4 buổi sáng như vậy mới đảm bảo nước đủ sinh hoạt cho cả gia đình.

Năm nay, cháu nội ông mới chào đời. Đầu mùa hè, trời oi bức nhu cầu nước sử dụng tăng cao, lấy nước một buổi không đủ, ông phải tranh thủ kéo thêm vào chiều tối.

Hàng ngày, ông Tổng cũng như 1.700 hộ dân thôn Ngọc Than vẫn sử dụng nước ao làng sinh hoạt. Ảnh: Hoàn Nguyễn.

Trong khi đó, mỗi sáng, vợ và con dâu ông cũng thay nhau mang quần áo, chăn màn ra ao làng giặt. Suốt nhiều năm, nếp sinh hoạt bất thường đã trở thành quen thuộc với gia đình ông Tổng và những hộ dân nơi đây.

Ghi nhận tại làng Ngọc Than cho thấy, dù mới đầu mùa hè nhưng hầu hết giếng khơi đều cạn trơ đáy. Nhiều hộ dân trong làng mua máy bơm lắp dọc bờ ao để dẫn nước về nhà.

Tuy nhiên, do nhà quá xa, những hộ như gia đình Tổng phải thuê thợ khoan giếng với giá gần 10 triệu đồng. "Giếng khoan sâu tới 40-50 m nhưng mỗi lần bơm chỉ được một giờ thì cạn kiệt. Tôi phải xây thêm bể lớn 8 khối giữa sân hứng nước mưa tích trữ. Để tiết kiệm nước sạch, chiều chiều, tôi và con trai lại ra ao tắm", ông Tổng cho hay.

Làng quê dùng nước giá cao

Ngồi múc từng ca nước ra chậu rửa rau chuẩn bị bữa trưa cho gia đình, anh Nguyễn Văn Tuấn (31 tuổi, trú xóm Ngánh, thôn Ngọc Than) cho hay, hàng ngày nước nấu cơm, đun uống phải mua theo bình với giá từ 12.000-15.000 đồng mỗi 20 lít. Mọi sinh hoạt khác trong gia đình vẫn phải sử dụng nước ao làng.

Để bơm được nước ao về sử dụng, anh Tuấn cũng như hàng trăm hộ dân trong thôn phải xây giếng và lắp máy bơm quanh bờ ao. Giếng nước có đường kính khoảng 1 m, đặt cách bờ khoảng 5-8 m và dựng rào chắn rác cẩn thận.

Giếng bơm được lắp quanh bờ ao sen làng Ngọc Than. Mỗi giếng chỉ có thể lắp cho 5-7 hộ sử dụng. Ảnh: Hoàn Nguyễn.

Mới đây, một số người dân trong thôn được lắp đặt ống dẫn nước sạch. Tuy nhiên, nguồn nước sạch chỉ để phục vụ ăn, uống. Những nhu cầu khác như tắm, giặt, chăn nuôi… nhiều hộ vẫn sử dụng nước bơm từ ao làng.

Theo anh Tuấn, dù tiết kiệm như vậy song mỗi tháng, gia đình anh tốn 600.000-700.000 đồng tiền điện, chưa kể tiền mua nước sạch nấu cơm.

"Không chỉ gia đình tôi, mà cả làng Ngọc Than đã khát nước sạch nhiều năm nay", anh Tuấn than thở.

Anh cũng cho biết, mới đây một số hộ dân trong thôn được lắp hệ thống ống nước sạch sông Đà về sử dụng. Tuy nhiên, giá nước cao khiến nhiều gia đình vẫn kéo nước ao làng về hoặc dùng các nguồn khác như nước mưa, nước giếng khoan để giảm tối đa chi phí.

Dù đã được lắp ống dẫn nước sạch nhưng gia đình anh Tuấn vẫn sử dụng nước ao làng cho các sinh hoạt khác trong gia đình. Ảnh: Hoàn Nguyễn.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn Hưng, Bí thư xã Ngọc Mỹ cho hay, cuối năm 2014, đầu năm 2015 UBND xã phối hợp với công ty nước sạch lắp hệ thống dẫn nước từ đường ống nước sông Đà về phục vụ người dân. Tới thời điểm hiện tại, địa phương đang tiến hành lắp cho 1.100/1.700 hộ dân tại thôn Ngọc Than với giá lắp đặt 3,5 triệu đồng mỗi hộ. Nước sạch được thu với giá 10.700 đồng/m3.
 
"Dự kiến từ mùa mưa năm nay, toàn bộ người dân Ngọc Mỹ được dùng nước sạch", ông Hưng nói.
 
>> Nội thành Hà Nội có thể thiếu nước sinh hoạt
>> “Chết khát” giữa lòng Thủ đô vì thiếu nước sạch ngày nắng nóng gần 40 độ
 
 
 
Theo H.Nguyễn (Zing.vn)

Nổi bật