Khẩn trương ứng phó bão số 12

10/11/2020 08:40:08

Trước dự báo bão số 12 sẽ đổ bộ vào địa bàn, 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa lên phương án sơ tán hàng chục ngàn hộ dân, cho học sinh nghỉ học, sẵn sàng các phương án ứng phó.

Trong ngày 9-11, tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa thành lập nhiều đoàn công tác về các địa phương chỉ đạo công tác ứng phó bão số 12 dự kiến đổ bộ vào hai địa phương này trong sáng nay (10-11). Công tác đôn đốc di dời dân, chằng néo tàu thuyền trước khi bão đổ bộ… được diễn ra khẩn trương.

Khánh Hòa: Lo sạt lở khắp nơi

Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Khánh Hòa có công điện khẩn số 14 về ứng phó cơn bão số 12.

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu ngừng hoạt động cáp treo Vinpearl Land kể từ 21 giờ ngày 9-11 cho đến khi kết thúc bão. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học vào ngày 10-11 và tiếp tục theo dõi tình hình bão, mưa lũ để chủ động cho học sinh nghỉ học trong các ngày bão, mưa lũ lớn.

Điều lo nhất tại Khánh Hòa là hơn 13.600 lao động làm việc trên các lồng bè, tập trung chủ yếu tại huyện Vạn Ninh, TP Nha Trang và TP Cam Ranh. Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng néo lồng bè, yêu cầu các lao động rời khỏi lồng bè, vào bờ trước 18 giờ ngày 9-11.

Trên đất liền, toàn tỉnh Khánh Hòa có 174 địa điểm được xác định có nguy cơ sạt lở, với hơn 23.000 người dự kiến được sơ tán. Trong đó, khu vực TP Nha Trang có đến 84 điểm sạt lở, nhiều nhất là xã Phước Đồng với 18 điểm. Đây là khu vực liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở trong mùa mưa bão, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Cũng trong chiều 9-11, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, thị sát khu vực dân cư ven biển, khu vực dễ sạt lở. "Toàn tỉnh có đến cả trăm khu vực có nguy cơ sạt lở rất cao. UBND tỉnh đã chỉ đạo tất cả các địa phương đưa người dân về nơi trú ẩn an toàn. Những trường hợp quay lại lồng bè, quay trở lại các khu sạt lở phải kiên quyết chế tài" - ông Tuân nhấn mạnh.

Khẩn trương ứng phó bão số 12
Các đoàn công tác của UBND tỉnh Khánh Hòa đi kiểm tra việc ứng phó với bão số 12 Ảnh: KỲ NAM

Toàn tỉnh có 31 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế 250 triệu m3. Hiện tại, mực nước các hồ đạt 60%. Các đơn vị quản lý hồ chứa phải theo dõi chặt chẽ hiện trạng an toàn hồ đập, kịp thời phát hiện các hư hỏng công trình để khắc phục, xử lý; tính toán vận hành điều tiết phù hợp.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, từ 18 giờ ngày 9-11, hai hồ chứa nước có dung tích lớn nhất của huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) là hồ Hoa Sơn và hồ Đá Đen đã xả điều tiết nước.

Phú Yên: Di dời khẩn cấp hơn 4.000 người

Đến 18 giờ ngày 9-11, tỉnh Phú Yên đã di dời khẩn cấp hơn 4.000 người làm nghề nuôi hải sản trên các lồng bè thuộc 3 huyện, thị là thị xã Đông Hòa, thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An vào bờ an toàn. Trong đó nhiều nhất là thị xã Sông Cầu với gần 3.000 người.

Trong chiều 9-11, ông Trần Hữu Thế - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra các vị trí xung yếu của tỉnh Phú Yên như các khu neo đậu tàu thuyền ở thị xã Sông Cầu, kè biển Mỹ Quang Nam (huyện Tuy An) và kè biển gần sân bay Tuy Hòa (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa). Tại thị xã Sông Cầu, ông Trần Hữu Thế yêu cầu địa phương không để bất kỳ ai ra tàu thuyền hoặc bè nuôi sau 18 giờ cùng ngày. Ngoài ra, cần bảo đảm an toàn cho 79 thuyền viên trên 10 tàu vận tải đang neo đậu tránh trú bão tại vịnh Xuân Đài.

Theo ông Thế, tỉnh Phú Yên cũng đã chỉ đạo các địa phương lên phương án sẵn sàng di dời hàng ngàn người dân ở các vùng gần sông suối, vùng có nguy cơ bị sạt lở và vùng trũng thấp nếu bão số 12 gây mưa lớn.

Đến tối 9-11, thủy điện Sông Ba Hạ bắt đầu xả lũ với lưu lượng 1.000 m3/giây. Cùng với lưu lượng xả nước chạy máy là 400 m3/giây, thủy điện này đang xả về hạ lưu với lưu lượng 1.400 m3/giây. Riêng với 50 hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Phú Yên đều được yêu cầu mở cửa tràn, không tích nước, đợi sau khi bão tan mới bắt đầu tích nước để tham gia cắt lũ sau bão.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đến tối 9-11, tỉnh này vẫn còn 105 tàu với 592 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. Trong đó, hoạt động xa bờ ở phía Nam huyện đảo Trường Sa là 76 tàu với 490 lao động. Tất cả đều đã nhận được thông tin diễn biến bão số 12 và chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Theo Kỳ Nam - Hồng Ánh (Nld.com.vn)