Ngày 10/10, mưa lớn trên diện rộng tiếp tục kéo dài cùng với việc hàng loạt hồ thuỷ điện bắt đầu xả nước điều tiết, khiến nhiều khu vực của tỉnh Quảng Nam đã bị ngập sâu.
Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, trong 24 giờ qua, các địa phương trong tỉnh đã có mưa to đến mưa rất to. Tổng lượng mưa trong 24 giờ qua (từ 7 giờ 9-10 đến 7 giờ 10-10) tại các địa phương vùng núi phía Nam phổ biến từ 90 - 180 mm, vùng núi phía Bắc và vùng đồng bằng ven biển phổ biến từ 200 - 300 mm; có nơi trên 300 mm.
Trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục có mưa to đến mưa rất to. Dự báo, trong 24 đến 48 giờ tới các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, đến mưa rất to. Hiện, nay mực nước các sông đang lên lại, mực nước tại Trạm Thủy văn Ái Nghĩa đã vượt mức báo động 3.
Đồng thời, cảnh báo sạt lở đất, lũ quét tại các sông, suối và sạt lở ở các huyện miền núi, nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng thấp.
Theo ghi nhận của PV, kể từ 1 giờ sáng cùng ngày, nước lũ đã dâng cao gần 2m, khiến người dân của huyện Đại Lộc phải hối hả "chạy lũ", thu dọn đồ đạc, tài sản lên khu vực cao.
Ông Nguyễn Hùng, trú thôn Liên Thuận, cho biết: "Do nước lên nhanh nên gia đình tôi tranh thủ đưa thóc, khoai và lương thực dự trữ lên các kệ cao được dựng tạm, tránh bị nước lũ làm ngập úng. Nước dâng cao từ sáng sớm nên ai cũng lo lắng. Hiện mực nước đang lên chậm nên gia đình cảm thấy bớt lo lắng vì toàn bộ đồ đạc, tài sản đã được đưa lên khu vực cao ráo. Mấy năm trước, gia đình có nuôi gia súc, gia cầm nên phải khổ sở đưa đi chỗ khác, nay không còn nuôi nên cũng đỡ mất sức".
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi công văn khẩn yêu cầu các ban ngành, địa phương tập trung ứng phó mưa lũ và tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xấu.
Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương tập trung tổ chức kiểm tra, rà soát và thực hiện sơ tán người dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ ngập sâu, chia cắt đến nơi an toàn trước 17 giờ ngày hôm nay.
Những hộ không đảm bảo an toàn phải kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời để đảm an toàn tính mạng cho người dân. Có phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết.
Theo Hà Nam (Pháp luật & Bạn đọc)