Khám phá "chợ đàn ông" giữa Sài Gòn

15/09/2015 09:08:38

Gọi là “chợ đàn ông” vì thứ người ta bán ở đây lại thu hút nhiều đàn ông đến mua hơn phụ nữ.

Gọi là “chợ đàn ông” vì thứ người ta bán ở đây lại thu hút nhiều đàn ông đến mua hơn phụ nữ.

Có lẽ những khu chợ như vậy đã làm Sài Gòn lạ hơn, đẹp hơn trong văn hóa đi chợ của người Việt vốn chỉ được biết đến là công việc dành cho phụ nữ.
 
Chợ được nhắc đến ở đây chính là những hàng bán côn trùng, sâu bọ nằm rải rác vỉa hè bên hông TTTM Thuận Kiều Plaza, quận 5, TP. HCM. Gọi là chợ cho đông đúc chứ nếu không để ý người ta sẽ khó lòng nhận ra sự tồn tại của cái chợ vỏn vẹn chừng 30m2 này.
 
“Chợ côn trùng” thực chất chỉ là vài ba hàng quán bên vỉa hè của những người dân đến từ Hóc Môn – một nơi họ có thể đem thứ đặc sản đồng quê khó lòng kiếm được ở chốn thành thị này đó là côn trùng, sâu bọ.
Và thứ đặc sản ấy đã thu hút những vị khách tới chợ cũng đặc biệt không kém – những người đàn ông có sở thích nuôi chim, chơi đá gà, hay đơn giản là muốn có những thứ độc lạ trên bàn nhậu của mình.
 

Cái tên “chợ đàn ông” hay “chợ côn trùng” cũng được gắn liền với vài ba gánh hàng ven đường này – một cách thân quen, bình dị theo cách gọi của người dân nơi đây từ đó…

Chợ mở từ sáng sớm, cứ tầm 6,7h những chiếc xe mang theo côn trùng sâu bọ lại đậu ngay trên vỉa hè đường Thuận Kiều. Họ mang theo côn trùng từ tận Hóc Môn đến đây và gánh hàng của họ cũng chỉ chừng có vài ba cái thúng, vài ba thùng xốp. Tất cả được chất gọn vào chiếc xe trông quá khổ.

Họ đều là những người dân nghèo và cái nghề không vốn này đã “gánh” luôn miệng ăn cả gia đình. Ông Minh người bán lâu năm nhất tại chợ côn trùng tâm sự: “Việc có chợ côn trùng như giờ rất ngẫu nhiên. Khoảng ba bốn năm trước tui cùng một vài người bạn từ Hóc Môn lên Sài Gòn chơi, khi đi qua khu quận 5 này thấy người ta có thú nuôi chim cảnh. Vào chuyện trò mới biết họ không tìm được thức ăn cho chim quý, một phần vì thức ăn chim được bán thời đó chỉ toàn là bột còn sâu, bọ, dế được xem là “hàng hiếm”. Nghe vậy tui mới tính kế bắt côn trùng từ quê ra bán. Một lần, hai lần, ba lần thử thấy việc bán những thứ ở quê chỉ xem như là bỏ đi lại kiếm ra tiền ở thành phố tui bắt đầu đổi nghề luôn cho tới bây giờ…”.

Cái nghề không vốn ngày cũng gây nhiều khó khăn cho những người ở đây. Vì những lần vận chuyển xa nếu không khéo côn trùng, sâu bọ sẽ bị chết và giá bán sẽ không được cao.

Chợ côn trùng nay đã trở nên có tiếng, dân chơi chim cảnh tìm đến đây mua mồi cho chim rất đông đến nỗi, đôi lúc những thứ côn trùng sâu bọ tự nhiên này bị cạn kiệt dần, nên ngoài tự bắt, người ta còn nuôi để bán.

Chợ ở đây bán đủ thứ loại côn trùng từ những loại mồi tầm thường đến những loại mồi ngon bỏ công khó nhọc mới bắt được.

Sâu gạo là loại mồi “phổ thông” được mua nhiều nhất, bán với giá 10k/lon.
 
Những loại mồi mắc hơn như rết, dế, cào cào có giá dao động từ 12-15k/bịch nhưng chỉ được dưới chục con.

Ông Ba Lộc một người dân sống ở khu chợ này cho biết, như một thói quen, dù không nuôi chim cảnh, gà đá nhưng ông vẫn thường ghé ngang chợ mỗi sáng đi tập thể dục về. Những người đàn ông họ tới lựa rồi đem đi, không trả giá, không kì kèo, cứ thế mà mua mà bán khác hẳn với những khu chợ gần nhà ông với tiếng cãi nhau chí chóe, nói thách giá cả... Cảnh những người đàn ông bán buôn theo kiểu “thuận mua vừa bán” ấy làm cho con người ta cảm thấy bình yên lạ thường mỗi sớm.

Một vài hàng rong vỉa hèbán công trùng đã tạo nên một khu chợ đặc trưng như thế, theo cái cách mà người dân ở đây đã nói: Sẽ thật thiếu vắng nếu không bắt đầu một ngày mới với tiếng ve, tiếng dế, tiếng chim hót lanh lảnh để ở một khoảng khắc nào đó họ đã có thể quên đi tiếng còi xe ở chốn thành thị xô bồ này.
 
>> Thâm nhập "chợ trời" vũ khí nóng ở Sài Gòn
>> Tràn ngập thuốc kích dục và vũ khí cấm nơi chợ vùng biên
>> Búp bê tình dục đối đáp như người thật sẽ được bán với giá gây "sốc"
 
Theo Quỳnh Anh (Phụ Nữ TPHCM)

Nổi bật