CSGT tăng cường kiểm soát trên các tuyến đường để xử lý xe nhồi nhét, chạy ẩu.
Cần chuẩn bị kỹ trước khi đến sân bay
Tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, lượng khách đến nhà ga bắt đầu tăng so với vài ngày trước. Ở các quầy làm thủ tục, khách đã phải xếp thành hàng dài.
Đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific cho biết các chuyến bay khởi hành từ TP.HCM đều kín 100% ghế. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, hãng đã phải tăng thêm nhân lực để hướng dẫn hành khách. “Khách nên đến sớm trước hai tiếng để kịp thời gian làm thủ tục. Theo quy định, các hãng hàng không sẽ đóng quầy làm thủ tục 40 phút trước giờ khởi hành đối với các chuyến bay nội địa và 50 phút trước giờ khởi hành đối với các chuyến bay quốc tế. Hành khách cần chú ý mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân và cần kiểm tra, cân hành lý ký gửi, xách tay ở nhà để tránh khi làm thủ tục dư trọng lượng hành lý theo quy định phải đi làm lại thủ tục rất mất thời gian.
Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cũng lo ngại tình trạng quá tải tại các sân bay trong dịp cao điểm. Hãng này đã khuyến nghị hành khách đến trước ba tiếng đồng hồ để làm thủ tục. Đối với hành khách mới đi máy bay lần đầu, đến sân bay phải liên hệ ngay với nhân viên của hãng hoặc lực lượng an ninh sân bay để được hướng dẫn. Có nhiều hành khách không biết quy định, chờ đến sát giờ bay mới vào làm thủ tục thì quầy đã đóng cửa.
Nhân viên Ga Sài Gòn kiểm tra tên trên vé và trên giấy CMND trước khi hành khách lên tàu ngày 11-2. Ảnh: MQ |
Sáng 11-2, hàng chục hành khách đã đến Ga Sài Gòn để làm thủ tục đổi vé tàu vì tên trên vé tàu và tên trên CMND không trùng nhau.
Anh Nguyễn Văn Quang (Nghệ An) cho biết năm nay ngành đường sắt bắt buộc phải đúng tên trên CMND mới cho lên tàu. Anh lo vì nhờ chị mua vé, giờ phải làm thủ tục đổi vé. Theo nhân viên nhà ga, chỉ có những trường hợp người thân mới đổi được cho nhau.
Còn anh Trần Văn Thành (Quảng Ngãi) bức xúc vì mẹ anh bị bệnh và bác sĩ yêu cầu mẹ anh phải đi tàu mới an toàn. Người chị đã nhường vé tàu nhưng khi lên làm thủ tục, nhân viên thông báo là không được vì không cùng chung sổ hộ khẩu. “Lãnh đạo đường sắt cần có những cách giải quyết linh động cho từng trường hợp chứ cứ cứng nhắc, người dân chịu thiệt” - anh Thành nói.
Ngoài hàng chục người đến đổi vé, đã xảy ra một số trường hợp đến trễ nên không lên được tàu.
Anh Nguyễn Văn Bàu (Nghệ An) cho biết nhà ở Bình Tân, anh đi trước một tiếng rưỡi nhằm đề phòng kẹt xe. Tuy nhiên, vừa ra khỏi nhà, anh bị kẹt ở ngã tư Bốn Xã. Đến đường Cách Mạng Tháng Tám lại mắc kẹt vì đông người. Anh đến nơi thì tàu vừa khởi hành được năm phút.
Tương tự, ông Đặng Tấn Thuận (Quảng Nam) đến ga trễ 20 phút nên không được lên tàu. Ông Thuận cho biết thường ngày từ nhà trọ qua đến ga chỉ mất 15 phút và ông đã đi trước nửa tiếng nhưng đến nơi vẫn trễ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Phú Đức, Phó Tổng Giám đốc Chi nhánh Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn, cho biết: Với trường hợp đổi vé thì chỉ đổi được ngày đi tàu, loại tàu, chỗ ngồi… với chính hành khách có vé. Còn trường hợp đổi thông tin ghi trên vé như tên, số CMND thì theo quy định là không được giải quyết. Tuy nhiên, ngành đường sắt đã linh động đổi tên cho những người là người thân trong gia đình. Để được đổi trong trường hợp này thì hành khách phải chứng minh được là người thân của nhau.
Không thể để 9.000 người chết/năm vì TNGT Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói như trên tại buổi làm việc với đoàn lãnh đạo Quốc hội ngày 11-2. Theo ông Thăng, năm 2015 Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện những giải pháp để giảm thiểu TNGT. Trong đó sẽ đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện thể chế chính sách, tăng cường giáo dục nâng cao văn hóa giao thông và sự đồng thuận trong cộng đồng. “Hy vọng năm 2015 TNGT tiếp tục giảm 5% đến 10% theo mục tiêu đề ra và kiềm chế ùn tắc giao thông, đẩy nhanh phát triển vận tải hành khách công cộng, tăng cường xử lý vi phạm” - ông Thăng nói. Theo ông Thăng, năm 2015 dự kiến sẽ khánh thành và khởi công khoảng 170 dự án. Hoàn thành cải tạo, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 14), tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại TP Hà Nội và TP.HCM, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. Năm 2014 có gần 9.000 người chết do TNGT. VIẾT LONG |
CSGT tăng cường xử lý xe “dù”, xe nhồi nhét Sáng 11-2, lực lượng CSGT và thanh tra giao thông (TTGT) rải kín ở các khu vực cầu vượt Linh Trung, Suối Tiên, ĐH Nông Lâm (ở quận 9 và Thủ Đức) để xử lý nạn xe “dù”, bến “cóc”. Tại khu vực cầu vượt Linh Trung, chúng tôi nhận thấy có đến 6-7 đội TTGT và CSGT làm việc. Ngoài ra, nhiều xe mô tô của TTGT và CSGT liên tục đi tuần trên các cung đường. Trên các khu vực này đã vắng bóng những người đợi đón xe. Tuy nhiên, khi vắng bóng CSGT, trước Khu du lịch Suối Tiên trở nên lộn xộn, chen lấn khi các xe “dù” ập vào đón khách. Qua trao đổi, các hành khách cho biết đã được nhà xe hẹn trước giờ để ra đón và việc đón khách diễn ra chưa đầy nửa phút. Theo Đội TTGT số 5, trong ba ngày qua xe “dù” chỉ xuất hiện vào khoảng thời gian buổi trưa, lúc các đội chuyển ca, nghỉ trưa. Lực lượng chức năng đã xử phạt 30 trường hợp xe dừng, đón trả khách không đúng. Tại Đồng Nai: Từ ngày 9-2, lực lượng CSGT siết tình trạng xe chở quá khách, quá tải. Trong hai ngày 9 và 10-2, CSGT đã kiểm tra khoảng 400 lượt xe chở khách nhưng chỉ phát hiện tám trường hợp xe khách vi phạm chở quá số người quy định. “Đa số xe khách chở đúng số người quy định. Năm nay các bác tài chấp hành luật giao thông tốt hơn” - một chiến sĩ CSGT đang trực chốt trên quốc lộ 1A, tại chốt gần ngã tư Bồn Nước, TP Biên Hòa cho biết. P.TĨNH - M.TÂM - T.DŨNG |