Hình ảnh cán bộ chia sẻ lên Facebook chụp hình với chồn bay khiến nhiều người bức xúc. |
“Tôi lưu hình ảnh trên Facebook là để khỏi bị mất chứ không phải để cổ động cho hành vi vi phạm pháp luật. Và tôi cũng không tham gia giết thịt con chồn đã đăng trong ảnh, ngôi nhà trong ảnh là nhà của tôi” - ông Kỳ giải trình.
Liên quan phát ngôn của ông Kỳ: “Ở huyện quán nào cũng có, hỏi món Apứa là được phục vụ ngay. Hỏi quán ông Sao, mua bao nhiêu cũng có”, Hạt Kiểm lâm Tây Giang cũng đã kiểm tra để xác minh sự việc. Kết quả kiểm tra quán ăn của ông Nguyễn Văn Sao (thôn Agrồng, xã Atiêng) thì không có việc buôn bán chồn bay, không có thịt, mẫu vật hay cá thể sống của chồn bay và các động vật hoang dã khác.
Cán bộ của Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã kiểm tra việc bà A Rất Thị Cúc (ngụ ở Agrồng, Atiêng) có buôn bán chồn bay hay không và nhận được kết quả là người này không buôn bán chồn bay như phản ánh.
“Ngày 28.11, có hai người đến quán của tôi để hỏi mua chồn bay, tôi đem một con Atông khoảng 1kg bán lại cho hai người này để lấy tiền đi chợ. Con vật này có hình dạng giống con dơi chứ không phải chồn bay. Ba con còn lại nằm trong tủ đá là con dúi của người dân địa phương mà tôi mua lại làm thức ăn chứ không phải chồn bay” - bà Cúc giải trình.
Trong thời gian tới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục rà soát lại thông tin trong bản báo cáo để xử lý vụ việc liên quan. Đồng thời, phía Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu xử lý nghiêm việc bắt chồn bay chụp ảnh rồi đưa lên Facebook gây ảnh hưởng đến dư luận trong thời gian qua.
Trước đó, Pháp luật TP.HCM đã thông tin việc ông Thiều Quốc Kỳ đã đăng lên Facebook hình mình đang cầm trên tay một con chồn bay (động vật quý hiếm) và có phát ngôn gây “sốc” là “Ở huyện quán nào cũng có chồn bay, vào quán hỏi món Apứa sẽ được phục vụ ngay. Công an cũng bó tay”.
Theo Quang Nam (Pháp Luật TPHCM)