Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam, thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, ngày 7/8, mạng xã hội lan truyền câu chuyện cảm động về một bác sĩ tên Khoa được cho là đã nhường máy thở của mẹ đẻ cho một sản phụ mang song thai đang cần máy thở.
Qua xác minh từ các cơ quan chức năng có liên quan của TP.HCM cùng nhiều nguồn khác, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam khẳng định thông tin nêu trên là tin giả. Hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội về hai em bé song sinh được cho là con của sản phụ được nhường máy thở là ảnh cũ, được chỉnh sửa từ ảnh gốc chụp tại Bệnh viện Từ Dũ, do tài khoản Facebook Cao Hữu Thịnh đăng lên ngày 21/7, không phải ảnh chụp ngày 7/8 như mạng xã hội chia sẻ.
"Một câu chuyện cảm động được nhiều tài khoản Facebook lan truyền, coi bác sĩ Khoa như người truyền cảm hứng nhưng lại là câu chuyện giả dối, làm giảm đi ý nghĩa của những điều tốt đẹp trên thực tế đang được biết bao bác sĩ và các lực lượng phòng chống dịch âm thầm làm", Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam chia sẻ và khuyến cáo cộng đồng mạng, nhất là các phóng viên không chia sẻ trên mạng xã hội nội dung chưa được kiểm chứng.
Trước đó, tối 7/8, trên mạng xã hội xuất hiện câu chuyện bác sĩ Trần Khoa đang chăm sóc bố và mẹ cùng một sản phụ mắc COVID-19 nặng chuẩn bị sinh đôi.
Thông tin cho biết, ba mẹ của bác sĩ Khoa cũng làm trong ngành y tế đã về hưu nhưng tham gia vào tâm dịch và không may mắc COVID-19 rồi trở nặng, được đưa vào nơi anh làm việc điều trị. Vị bác sĩ này đã quyết định rút ống thở của mẹ để nhường lại sự sống cho sản phụ và thực hiện cuộc mổ bắt con thành công. Thông tin trên đã được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội trong tối qua và sáng nay.
Theo Nguyễn Hoài (Tiền Phong)