Lời kết bạn từ người lạ
Việc chấp nhận lời mời kết bạn trên Facebook từ người lạ nhờ giúp đỡ đã trở thành cơn ác mộng đối với người phụ nữ về hưu 65 tuổi ở Singapore. Chỉ trong vòng 15 ngày, bà đã mất toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời là 1 triệu SGD (18 tỷ đồng).
Bà Tan tiếp xúc với người đàn ông trên mạng xã hội vào tháng 8 và người này tự nhận là giám đốc điều hành của một công ty thiết kế nội thất ở Anh. Ông cho biết bản thân sắp về hưu và đang chuẩn bị hoàn thành dự án cuối cùng là một khách sạn ở London.
Sau đó, người đàn ông nhờ bà Tan giúp đỡ vấn đề thanh toán, điều khiến người phụ nữ ngay từ đầu đã cảm thấy không tin tưởng.
Đối tượng chia sẻ khó khăn về việc không thể mua nguyên liệu từ các công ty ở Trung Quốc và được giới thiệu đến một công ty ở Sabah, nhưng vì không thể nói tiếng phổ thông nên hắn cần bà Tan làm người trung gian.
Để thuyết phục mọi thứ đều hợp pháp, hắn chuyển vào tài khoản của bà Tan số tiền có giá trị cao hơn giá nguyên liệu, trấn an rằng số tiền sẽ đến trong vòng hai đến bốn ngày.
Người đàn ông thậm chí còn gửi cho bà bản sao kê chuyển khoản từ ngân hàng Barclays của Anh, điều không chỉ xoa dịu nỗi lo mà còn thuyết phục bà Tan ứng tiền trước cho hắn.
Trong những bức ảnh mà người đàn ông gửi cho bà Tan và được The Straits Times xem xét, các báo cáo chuyển tiền có dấu hiệu rõ ràng là giả.
Đầu tiên, có các cỡ chữ khác nhau được sử dụng trên ba tài liệu. Ngày tháng dường như cũng được định dạng lộn xộn, có chỗ ghi là "04 tháng 9" rồi lại thành "5 tháng 9" và sau đó là "07 tháng 9", cùng với những điểm không nhất quán khác.
Khi được thông báo cần tiếp tục thanh toán để giải quyết các khoản phí bổ sung như vận chuyển và thuế, bà Tan đã tin kẻ lừa đảo và cuối cùng thực hiện chuyển khoản ít nhất 20.000 SGD mỗi lần, với tổng cộng 22 lần chuyển tiền.
Khi tiến hành giao dịch cuối cùng trị giá 50.000 SGD, bà thậm chí còn vay tiền từ người con trai 30 tuổi của mình.
"Tôi đã phải rút tiền từ tài khoản tiền tiết kiệm và thậm chí còn phải vay ngân hàng 24.000 SGD để tiếp tục thanh toán. Tôi không có đủ tiền và đòi con trai tôi 10.000 SGD, điều này khiến nó nghi ngờ, nhưng tôi nói rằng đó là cơ hội kinh doanh và tôi sẽ trả lại khi khoản tiền gửi cố định của tôi đáo hạn", bà Tan kể lại.
Tuy nhiên, lúc đó bà cũng đã rút hết tiền gửi cố định của mình để đưa cho kẻ gian.
Cái kết ngang trái
Vụ lừa đảo cuối cùng đã bị phát hiện vào ngày 20/9, sau khi bà Tan nhận được cuộc điện thoại từ một số của Malaysia thông báo rằng "đối tác kinh doanh" người Anh của bà đã bị giữ lại sân bay vì có quá nhiều tiền mặt trong tay.
"Doanh nhân" mà bà kết bạn cũng kể lại câu chuyện tương tự, điều này khiến mọi thứ càng đáng tin hơn.
Bà được thông báo rằng để vị đối tác này được chính quyền Malaysia chứng minh trong sạch, bà phải trả 98.000 SGD. Tuy nhiên, trước khi kịp tiếp cận cô con gái 32 tuổi để xin tiền, người con trai đã ngăn bà Tan lại kịp thời.
"Các con bây giờ rất lo lắng cho tôi, vì có vẻ như tôi chưa thể nghỉ hưu được rồi", bà Tan tâm sự. "Tôi sống chi li cả cuộc đời. Tôi làm việc khi còn trẻ và số tiền tiết kiệm được là để dưỡng già sau này, nhưng giờ đây tôi không chỉ tiêu sạch 40 năm tiền tiết kiệm mà còn mắc nợ cả ngân hàng".
Người phụ nữ lớn tuổi đã báo cảnh sát ngay sau đó, cũng như gửi kiến nghị lên ngân hàng nhờ giúp đỡ giải quyết khó khăn hiện tại nhưng khả năng lấy lại được tiền là mong manh.
Bà Tan chỉ là một trong số nhiều nạn nhân bị lừa đảo trên mạng xã hội, hình thức ngày càng gia tăng trong thời gian qua.
Tại Singapore, trong nửa đầu năm 2023, đã có 22.339 trường hợp lừa đảo được báo cáo, tăng 64,5% so với 13.576 trường hợp được báo cáo trong cùng kỳ năm 2022.
Thủ đoạn thường thấy của kẻ gian là tiếp cận những người lớn tuổi hoặc không am hiểu về công nghệ. Chúng tạo niềm tin bằng cách xây dựng hình ảnh doanh nhân, thể hiện sự thành đạt, sau đó nhờ nạn nhân chuyển tiền giúp đỡ vì một lý do nào đó.
Được truyền cảm hứng từ Trung Quốc, các công ty Ấn Độ cũng nhảy vào thị trường nhưng nhận ra rằng họ không thể làm được như người hàng xóm.
Theo Mạnh Kiên (Phụ Nữ Số)