Kê khai tài sản không trung thực, 54 cán bộ bị xử lý

06/09/2023 12:13:23

54 cán bộ bị xử lý do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Ngày 6/9, Ủy ban Tư pháp tiến hành phiên họp toàn thể thẩm tra các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Trước đó, Chính phủ đã có báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo số liệu, vào cuối năm 2022, đã có 60.458 người kê khai tài sản, thu nhập lần đầu; 545.535 người kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; 44.015 người kê khai bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản thu nhập phục vụ công tác cán bộ…

Từ 8/2/2022 đến 30/4/2023, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…

Đặc biệt, các cơ quan đã xử lý 54 người do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức…).

Kê khai tài sản không trung thực, 54 cán bộ bị xử lý
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (Ảnh: Quốc hội).

Chính phủ khẳng định năm 2023 đã kiên quyết làm rõ, quy trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách.

Cũng theo báo cáo của các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, năm 2023 có 39 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (tăng 105,2% so với năm 2022).

Tiếp đó, có 11 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đã bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 28 người bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (trong đó 3 khiển trách, 12 cảnh cáo, 13 cách chức).

Chính phủ đánh giá việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách, Chính phủ đánh giá.

Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, theo báo cáo, các cơ quan điều tra của công an đã thụ lý điều tra 967 vụ án/2.552 bị can phạm tội về tham nhũng. Tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra trên 1.738 tỉ đồng và 70.950,9 m2 đất; thu hồi trên 1.237 tỉ đồng và 28.822,6 m2 đất). Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 377 vụ án/997 bị can.

Về công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, tổng số phải thi hành có 4.540 việc, trong đó số có điều kiện thi hành 3.258 việc; trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 1.703 việc.

Về tiền, tổng số phải thi hành có 96.961 tỉ 426 triệu 630 nghìn đồng, trong đó số có điều kiện thi hành 56.688 tỉ 413 triệu 947 nghìn đồng. Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 19.818 tỉ 424 triệu 117 nghìn đồng.

Cũng trong năm 2023, có 23 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 93 triệu đồng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước 19 người, TPHCM 1 người, Đà Nẵng 3 người.

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 11.056 cơ quan, tổ chức, đơn vị và phát hiện 77 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm.

Gần 6.400 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ cũng được các bộ, ngành, địa phương tiến hành. Qua đó, phát hiện 300 vụ việc và 439 người vi phạm (tăng 28% số vụ và 38,1% số người vi phạm so với năm 2022), xử lý hành chính 129 người, chuyển xử lý hình sự 2 người; kiến nghị thu hồi hơn 45 tỷ đồng.

HL (SHTT)