Mong muốn vực lại khu nghỉ dưỡng hàng đầu Đông Dương, chính quyền Thừa Thiên - Huế vừa chủ trương làm cáp treo lên đỉnh núi Bạch Mã. Một dự án đường cao tốc cũng được xây dựng vắt qua vườn quốc gia này.
Vườn quốc gia Bạch Mã nhìn từ trên cao. Video: Trần Hào - Nguyễn Đông |
Tra cứu trên Google, Bạch Mã - khu rừng nằm cách Hoàng thành Huế khoảng 40 km, cách Tourane (tên gọi cũ của TP Đà Nẵng) khoảng 70 km quá nghèo nàn thông tin. Bách khoa mở toàn thư Wikipedia cũng chỉ dành vỏn vẹn 300 chữ để giới thiệu về địa lý và đa dạng sinh học.
Cuộc trò chuyện kéo dài nửa giờ với ông Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã không khiến hình hài khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Đông Dương một thời rõ nét hơn. Chỉ cách nhau dải Hải Vân, nếu Bà Nà đã nổi lên như một "thương hiệu" của Đà Nẵng, thì Bạch Mã khá mờ nhạt trong bản đồ du lịch Việt.
Con đường bê tông mảnh mai uốn lượn là lối độc đạo lên đỉnh núi. Khu biệt thự Pháp cũ kỹ ẩn hiện trong sương, rêu phong bao phủ. Một con chồn bay thoát ra từ ô cửa cũ trước biệt thự Cẩm Tú, để lại thanh âm vọng giữa những bức tường đá loang lổ, xộc ra hơi lạnh. Có hàng trăm căn biệt thự như vậy ở nơi đây.
Có nhiều giai thoại về tên gọi dải rừng nguyên sinh duy nhất của Việt Nam nối từ biển đến biên giới Việt - Lào này. Xưa người dân sống ở chân núi nhìn lên đỉnh thấy hơi bốc lên trắng xóa, tạo hình con ngựa nên gọi Bạch Mã. Lại có truyền thuyết một vị tướng quân cưỡi ngựa trắng lên núi và mất tích bí ẩn. Cái tên Bạch Mã xuất hiện từ đó.
Từ khu nghỉ dưỡng hàng đầu... đến 139 biệt thự hoang phế
Dưới thời Pháp thuộc, người Pháp mong muốn xây dựng khu nghỉ dưỡng cho sĩ quan và giới thượng lưu ở Huế. Lúc này, tại Đà Nẵng đã có khu làng Pháp ở Bà Nà, nhưng phương tiện giao thông khó khăn, phải vượt qua ba đèo Phước Tượng, Phú Gia và Hải Vân, khiến những chuyến nghỉ dưỡng trở lên xa xỉ.
Tháng 3/1933, ông Raoul Desmarest, kỹ sư công chánh phân khu Thừa Thiên, sau nhiều ngày đi bộ xuyên rừng đã tìm ra Bạch Mã. Một đỉnh núi ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình khoảng 20 độ C là địa điểm lý tưởng xây dựng khu nghỉ mát trên cao.
Một năm sau, Raoul Desmarest được Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil ủy thác thực hiện khảo sát đầu tiên nhằm quy hoạch vùng đỉnh núi Bạch Mã. Hai người này đề xuất ý tưởng xây dựng Bạch Mã thành khu nghỉ mát như Sa Pa, Tam Đảo hay Đà Lạt...
Con đường độc đạo được mở dẫn từ quốc lộ lên đỉnh Bạch Mã, phục vụ cho việc xây dựng những khu biệt thự và du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Đến tháng 2/1936, khoảng 300 ha rừng được quy hoạch xây khu nghỉ dưỡng. Hơn 500 công nhân được huy động làm con đường dẫn từ Cái Quan (quốc lộ) lên đỉnh Bạch Mã, khởi đầu cho việc xây dựng những khu biệt thự mang kiến trúc Pháp. Tuyến đường này cùng lúc được sử dụng cho khách bộ hành, phu kiệu đưa giới thượng lưu lên núi.
Vọng Hải Đài - điểm cao nhất ngắm cảnh trên đỉnh núi Bạch Mã. Ảnh: Nguyễn Đông. |
139 căn biệt thự ở lưng chừng núi được hoàn thành năm 1942. Điểm cao nhất đỉnh núi, người Pháp xây dựng Vọng Hải Đài để ngắm cảnh về cả phía Huế và Đà Nẵng. Chủ nhân những căn biệt thự khi đó là người Pháp, người Việt giàu có, quan lại hoặc gia đình hoàng tộc triều Nguyễn.
Bạch Mã khi ấy trở thành một trong bảy khu nghỉ dưỡng trên cao tại Đông Dương, cạnh tranh với Bà Nà.
Du khách hay chủ nhân của những khu biệt thự thường đi dạo, ngắm cảnh, tắm trong các hồ tự nhiên với hình dáng như chiếc cúp loe miệng, hay đọc sách giữa núi rừng...
Bể bơi, sân tennis, sân vận động nhỏ, công viên cũng được xây dựng. Ngày 14/7 - quốc khánh Pháp, pháo hoa được đốt từ đỉnh cao nhất của Bạch Mã để mọi người chiêm ngưỡng.
Thời gian thích hợp cho việc nghỉ dưỡng ở đây là từ tháng 3 đến 9. Những tháng còn lại là mùa đông và mùa mưa. Lượng mưa ở đây quá lớn, khoảng 8.000 mm/năm nên không thể khai thác du lịch.
Địa đạo được đào ngay giữa lòng núi Bạch Mã. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Chiến tranh đã biến những căn biệt thự ở Bạch Mã thành đồn trú
Tháng 3/1945, quận Nhật chiếm đóng cao điểm này, buộc những chủ nhân biệt thự phải rời bỏ tài sản của mình. Chiếm Bạch Mã, lính Nhật muốn giữ vị trí chiến lược về quân sự, bởi từ đây có thể quan sát được một phần biển Đông, hai sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng), Phú Bài (Huế) và đặc biệt là khống chế được đường Cái Quan.
Khi Việt Nam giành độc lập, khu làng Pháp gần như bị bỏ hoang, cây cối bao phủ. Năm 1964, lính Mỹ chiếm đóng núi Bạch Mã và biến ngọn núi này cùng các vùng phụ cận thành căn cứ tác chiến. Một sân bay trực thăng gần Vọng Hải Đài cũng được xây dựng để phục vụ chiến tranh.
Năm 1973, quân giải phóng chiếm được điểm cao này. Để giữ chốt và phòng thủ, bộ đội đã đào công sự và hai địa đạo dài 46 m, 214 m. Ngày nay hai địa đạo đã được xếp hạng di tích quốc gia.
Dấu vết nhiều trận đánh là những phế tích, hố bom nham nhở, vết đạn cày xéo...
Bên trong địa đạo Bạch Mã. Video: Nguyễn Đông - Võ Thạnh. |
Long đong danh phận Vườn quốc gia
Lần đệ trình của chính quyền sở tại lên Bộ thuộc địa Pháp về dự án thành lập Vườn quốc gia rộng 50.000 ha ở vùng rừng Bạch Mã - Hải Vân năm 1925 không được hồi đáp. Đến năm 1962, cố kỹ sư Lâm nghiệp Nguyễn Hữu Đính ở Huế đề xuất ý tưởng thành lập "Quốc gia lâm viên Bạch Mã - Hải Vân" với diện tích 78.000 ha, trình lên chính quyền Việt Nam Cộng hòa và cũng không được chấp thuận.
Năm 1986, Chính phủ quyết định thành lập 87 khu rừng cấm, trong đó có Bạch Mã - Hải Vân rộng 40.000 ha. Nhưng phải đến năm 1991, rừng cấm Bạch Mã - Hải Vân mới được đổi thành Vườn quốc gia Bạch Mã, theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng), với diện tích hơn 22.000 ha.
Khu rừng này được quy hoạch để lưu giữ hệ sinh thái đặc trưng của vùng Trung Trung Bộ.
Sương sớm Bạch Mã. Ảnh: Hoàng Xuân Sáu. |
Vườn quốc gia Bạch Mã được xem là khu vực đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới. Nơi đây có trên 1.700 loài động vật, chiếm 7% tổng số loài trên cả nước. Trong đó 69 loài được đưa vào sách Đỏ như: voọc chà vá chân nâu, sói lửa, cầy mực, báo hoa mai, sao la, gà lôi lam mào trắng; 15 loài đặc hữu của Việt Nam, chủ yếu tập trung vào lớp chim...
Bạch Mã được bao phủ bởi hai kiểu rừng: rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới và á nhiệt đới. Điều này giúp Bạch Mã trở thành nơi đa dạng về hệ thực vật. Hiện rừng có 2.400 loài thực vật (chiếm gần 17% tổng số loài thực vật cả nước). Trong đó, 74 loài nằm trong sách Đỏ như: pơ mu, gụ lau, gụ mật; 21 loài có tên trong danh lục Đỏ IUCN năm 2016.
Voọc ngũ sắc ở Bạch Mã. Ảnh: Lê Quý Minh. |
Ông Huỳnh Văn Kéo, người hơn 30 năm gắn bó với Bạch Mã, cho biết lực lượng quản lý rừng đã nỗ lực hết sức mới giảm thiểu được tình trạng cháy rừng và nạn săn bắn động vật. Qua những lần tham quan, chia sẻ kinh nghiệm ở vườn quốc gia của Ấn Độ, Anh, Italy, Pháp, Nhật Bản..., ông nảy sinh ý tưởng mở rộng rừng quốc gia Bạch Mã.
Ông Kéo lập luận, Bạch Mã chưa xứng tầm với chính nó, hệ số rủi ro khá lớn trong điều kiện bảo tồn gắn với phát triển bền vững. Mở rộng vườn sẽ hạn chế được mặt không gian, ranh giới chia cắt hành chính, vừa bảo vệ hệ sinh thái, vừa tạo điều kiện cho các loài động, thực vật sinh trưởng và phát triển bình thường và an toàn.
Dự kiến, Vườn quốc gia Bạch Mã sẽ nằm trên đất của Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Những năm 2003-2004, nhiều hội thảo trao đổi giữa các nhà khoa học, cơ quan quản lý từ địa phương đến trung ương đã diễn ra. Nhiều người lo lắng việc mở rộng rừng sẽ gặp trở ngại vì liên quan đến ba địa phương.
Tại Huế, lãnh đạo tỉnh đã đồng ý ngay bằng việc cắt lại khoảng 2.000 ha theo quy hoạch của của vườn để giải quyết quỹ đất cho người dân sản xuất nhằm ổn định đời sống, hạn chế tình trạng khai thác rừng trái phép; đồng thời cho mở rộng thêm gần 15.000 ha thuộc rừng phòng hộ Nam Đông.
Chủ trương này cũng nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng).
“Tôi nói giả sử con sao la, con hổ ở trên rừng thì nó cứ di cư theo thời vụ để tìm kiếm thức ăn, không ai đăng ký hộ khẩu cho nó phải ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế hoặc Đà Nẵng. Chúng ta cần tạo ra một mái nhà chung rộng lớn, đảm bảo hệ số an toàn cho các loài thú quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng”, ông Kéo nhớ lại buổi nói chuyện với ông Nguyễn Xuân Phúc năm 2005.
Hồ Truồi nằm trong Vườn quốc gia Bạch Mã. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Nghe hết phần trình bày của ông Kéo, ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “Cá nhân tôi sẽ thuyết phục tập thể lãnh đạo tỉnh ủng hộ việc làm này, xem như tôi góp một phần nhỏ nhoi của mình vào sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên Việt Nam”. Thời gian sau, Quảng Nam gửi văn bản lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, đồng ý mở rộng Vườn quốc gia Bạch Mã.
Điều ông Kéo thấy tiếc là Đà Nẵng không tham gia vì cho rằng ảnh hưởng đến quy hoạch và tình hình kinh tế - xã hội của thành phố.
Đến năm 2008, Vườn quốc gia Bạch Mã được Thủ tướng điều chỉnh mở rộng với tổng diện tích từ hơn 22.000 ha lên gần 37.500 ha.
Vừa qua, nhóm các nhà nghiên cứu sao la (SWG) thuộc Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế ( IUCN) và Bộ Nông nghiệp đã chọn Vườn quốc gia Bạch Mã làm trung tâm nhân giống sao la, loài vật được mệnh danh là Kỳ lân châu Á. Đây là trung tâm nhân giống sao la đầu tiên trên thế giới, dự kiến hoạt động vào đầu năm 2018.
Cáp treo, cao tốc xuyên rừng
Nhận định Bạch Mã có những điều kiện tự nhiên rất tốt để phát triển du lịch sinh thái nhưng ông Nguyễn Văn Phúc (Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế) tiếc vì chưa thể khai thác hết tiềm năng. Lượng khách đến đây khá khiêm tốn khoảng 15.000 người mỗi năm.
Con đường bê tông độc đạo dài hơn 10 km có độ dốc lớn, phải di chuyển bằng xe chuyên dụng cũng là trở ngại với du khách. Nhiều khu biệt thự bỏ hoang đã xuống cấp. Hiện chỉ còn hai biệt thự mở cửa nhưng đến mùa mưa phải tạm nghỉ.
Để đánh thức du lịch Bạch Mã, từ năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho một công ty nghiên cứu quy hoạch tổng thể dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng tại Vườn quốc gia Bạch Mã.
Con đường độc đạo lên đỉnh Bạch Mã một số điểm thường có sạt lở đá, bung taluy, tiềm ẩn nguy hiểm. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Thừa Thiên - Huế nói về dự án cáp treo. Video: Võ Thạnh. |
Theo đồ án của phía doanh nghiệp, khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã được xây dựng tại khu vực rộng 300 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng. Khu du lịch được chia làm 6 phân khu chức năng chính, gồm: làng trung tâm, làng di sản, làng đỉnh núi, làng dịch vụ, khu tâm linh, thung lũng thác nước.
Để kết nối các khu chức năng chính, hệ thống cáp treo sẽ được xây dựng. Điểm đầu của tuyến cáp treo là chân núi gần Cầu Hai và điểm cuối gần biệt thự Pháp cổ của khách sạn Morin cũ. Hệ thống cáp treo sẽ có 3 điểm dừng chính, trong đó có điểm dừng làng trung tâm và thác Đỗ Quyên.
Phác thảo tuyến cáp treo lên Bạch Mã. Ảnh: Võ Thạnh. |
Đồ án quy hoạch này được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trình lên Bộ Nông nghiệp và Bộ Xây dựng thẩm định. Hai bộ sau đó đã có công văn góp ý. Tháng 6 vừa qua, phía tỉnh có văn bản điều chỉnh nội dung đồ án và đang chờ phản hồi của Bộ Xây dựng.
"Nếu dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng được triển khai sẽ thúc đẩy sự phát triển du lịch ở Bạch Mã. Nhưng với vị trí và tầm quan trọng của Vườn Quốc gia, việc phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững", ông Phúc nói.
Còn ông Hoàng Việt Trung, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho rằng, hệ thống cáp treo nếu xây dựng sẽ không ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng Bạch Mã. Dự án sẽ tạo sức hút lớn, đưa Bạch Mã thành một biểu tượng của Thừa Thiên - Huế.
Đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo tiêu chuẩn đường cao tốc, dài 83 km nối Thừa Thiên - Huế với Đà Nẵng đang thi công, có 11,5 km xuyên qua vườn quốc gia Bạch Mã. Diện tích đất rừng chuyển cho dự án trên 25 ha.
Dự án này do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, có điểm đầu từ ngã ba La Sơn (xã Lộc Sơn, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) và điểm cuối đến Túy Loan (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Theo thiết kế, đường rộng 22 m, có 4 làn xe.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hay, tuyến cao tốc đi qua Vườn quốc gia Bạch Mã sẽ ảnh hưởng hệ sinh cảnh thực vật của vườn. Trong đó, quá trình hoạt động của xe, máy móc thi công gây chấn động, thay đổi môi trường sống nên động vật suy giảm, một số loài phải di chuyển, các loài cây trên đường bị chặt hạ...
Bể bơi tại một khu nghỉ dưỡng Vườn quốc gia Bạch Mã. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Các chuyên gia thực hiện báo cáo môi trường phát hiện dọc công trường dự án La Sơn - Túy Loan đi qua Vườn quốc gia Bạch Mã có hơn 90 loài chim, 18 loài thú, 12 loài ếch và 16 loài bò sát. Từ đó họ cảnh báo việc mở đường sẽ làm mất nơi kiếm ăn của các loài thú ăn thực vật như nai, hoẵng; mất nơi sinh sống và hoạt động của nhiều loài thuộc họ trĩ; tạo dải ngăn cách giao lưu của các loài chim, nhất là loài trong bộ gà ít khả năng bay xa, các loài thú móng guốc và linh trưởng.
Hai năm qua, khu vực dự án trở thành đại công trường với hàng trăm công nhân dựng lán trại ở lại, xe tải chở đất đá hoạt động liên tục. Các đơn vị thi công đã đào núi, đắp đường, xây các cây cầu bắc qua suối. Những con suối nằm gần tuyến đường nước đục ngầu.
Ông Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã nói về đường cao tốc. Video: Võ Thạnh - Nguyễn Đông. |
Một kiểm lâm viên Vườn quốc gia Bạch Mã được phân công giữ chốt trên tuyến La Sơn - Túy Loan cho biết, trước đây khu vực này có rất nhiều loài động vật sinh sống. Nhưng kể từ lúc đơn vị thi công chặt cây, đào đất lấp đường thì không thấy các loài động vật xuất hiện nữa.
Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã Huỳnh Văn Kéo cũng thừa nhận, tuyến cao tốc ảnh hưởng đến hệ sinh thái động thực vật của vườn. Nhiều loài động vật phải di chuyển đi nơi khác để tránh tiếng ồn của máy móc.
Ban quản lý vườn đã kiến nghị các sở, ban ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát đơn vị thi công, đánh giá tác động môi trường cũng như có giải pháp giảm thiểu việc mất đa dạng sinh học.
Trước nguy cơ hệ động thực vật bị chia cắt bởi tuyến cao tốc, Vườn quốc gia Bạch Mã và Bộ Nông nghiệp đã đề nghị làm hầm chui, cầu cạn cho động vật qua lại.
Từ góc độ chuyên gia bảo tồn, tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Sinh thái học miền Nam, đánh giá rừng quốc gia Bạch Mã có hệ sinh thái phong phú không kém gì những khu rừng ở Tây Nguyên. Nhưng quan trọng hơn, Bạch Mã là rừng đầu nguồn của sông Hương, có chức năng giữ nước và điều tiết dòng chảy. Sông Hương có lũ lụt hay không là do khu rừng đầu nguồn này quyết định.
Theo ông Long, Bạch Mã là hành lang xanh bảo tồn thú quý; là kho tàng rừng nguyên sinh; kho tàng nguồn gen về đa dạng sinh học ở khu vực miền Trung mà các nhà thực vật rất ao ước đến thăm. Do đó nếu có tác động bê tông hóa, chính quyền cần cân nhắc.
"Cáp treo ít tác động đến diện tích nhưng là nguyên nhân gây ra các tác động khác bởi môi trường ô nhiễm, nên tốt nhất là bảo vệ nghiêm ngặt, ít tác động vào khu rừng nguyên sinh còn sót lại ở miền Trung", ông Long nêu quan điểm.
Giấc mơ khu du lịch đẳng cấp
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Võ Thạnh. |
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết tỉnh đang chờ Bộ Xây dựng duyệt dự án làm cáp treo để quy hoạch tổng thể khu du lịch này.
Theo ông, dự án cáp treo xuyên rừng có sự tham gia của các chuyên gia về bảo tồn, sinh thái trong và ngoài nước, nhằm tìm cho được một phương án tốt nhất về bức tranh tổng thể phát triển Bạch Mã. Tỉnh xin thẩm định từ các bộ ngành xong mới kêu gọi đầu tư.
"Hiện dự án trong giai đoạn lập quy hoạch thẩm định. Chúng tôi muốn khai thác một cách triệt để, tối ưu khu du lịch Bạch Mã cùng với đảm bảo về môi trường, đảm bảo quy định rừng cảnh quan", ông Cao nói.
139 căn biệt thự Pháp sẽ được trùng tu và quản lý chặt chẽ "chứ không phải làm chắp vá".
"Bạch Mã mà muốn đẹp thì phải đi bộ nhiều, về nguyên tắc là không làm bê tông hóa mà phải làm hết sức sinh thái" Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao |
Hơn 100 biệt thự đang bỏ hoang trên đỉnh Bạch Mã. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Với dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan, ông Cao cho hay đường không đi qua vùng lõi, và "đã làm đường thì ảnh hưởng sinh thái là không tránh khỏi, nhưng phải tính toán để hạn chế tối đa".
Vừa qua Bộ Nông nghiệp đã cho phép Thừa Thiên - Huế mở rộng đường bê tông lên đỉnh Bạch Mã thành đường quy mô hai làn xe, tuy nhiên tỉnh chưa thi công "để tránh tác động đến rừng" . Trước mắt, địa phương sẽ điều chỉnh một số điểm cục bộ để an toàn cho du khách.
Về chủ trương xây cáp treo, Thừa Thiên - Huế đã mời chuyên gia của Đức, Mỹ sang tư vấn. "Một số chuyên gia lo ngại cáp treo ảnh hưởng đến rừng. Nhưng vừa qua Thủ tướng cũng đã chấp thuận cho làm cáp treo ở Yên Tử, Phan Xi Păng và cả trong hang động ở Quảng Bình. Câu chuyện cáp treo theo tôi sẽ có tác động qua lại. Cáp treo nhiều khi giảm quá tải lượng ôtô lên rừng thường xuyên có tiếng ồn và như thế lại tốt hơn", ông Cao nói.
Đứng trước bài toán bảo tồn vườn quốc gia hay phát triển du lịch, ông Cao chia sẻ rằng "khó nói". Về di sản thì nguyên tắc bảo tồn là trước hết. Nhưng nếu di sản không tôn tạo thì thành phế tích, không thể là di sản nữa.
Một trong những tuyến đường đi bộ lên đỉnh Bạch Mã. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Theo Nguyễn Đông - Võ Thạnh (VnExpress.net)