Ðiểm Sử thấp chưa từng có

11/07/2018 08:50:01

Sáng nay (11/7), các Sở GD&ÐT công bố điểm thi THPT quốc gia. Ðiều khiến thí sinh và giáo viên khá buồn là năm nay, điểm thi môn Lịch sử rất thấp, nhiều tỉnh chỉ có tỉ lệ dưới 20% thí sinh có mức điểm trung bình trở lên.

Ðiểm Sử thấp chưa từng có
Cách ra đề thay đổi, có tính phân hóa cao khiến phổ điểm thi THPT quốc gia năm nay thấp hơn hẳn so với 2017. Ảnh: Như Ý.

Buồn nhưng không bất ngờ

Ông Nguyễn Ðình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ÐT Ðà Nẵng cho biết, trong tất cả các môn thi THPT quốc gia năm nay, điểm thi môn Lịch sử thấp nhất. Cụ thể, chỉ có 10,3% thí sinh thi môn Sử đạt điểm trên trung bình, môn Ngoại ngữ cũng chỉ có 30% trên trung bình.  Trong khi đó, tỉ lệ này ở môn Ngữ văn đạt 52%; Toán, 56%, Ðịa lý 61%; Vật lý 51%, Hóa học 48%... Bên cạnh điểm thi môn Lịch sử thấp chưa từng có thì Ðà Nẵng cũng có nhiều thí sinh đạt điểm 9, 10 ở các môn Hóa học, Ngoại ngữ và Giáo dục công dân.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh Phú Thọ cho biết, địa phương đã hoàn tất việc chấm thi THPT quốc gia năm 2018 trước khi công bố 1 ngày. Ðánh giá chung, điểm thi của thí sinh năm nay không cao như năm trước. Cụ thể, Ngoại ngữ là môn có tỉ lệ thí sinh đạt điểm trên trung bình thấp nhất (chỉ 17,01%); tiếp theo là môn Lịch sử (với 20,36%). Cao nhất là môn giáo dục công dân với 97,6% thí sinh đạt điểm trên trung bình; tiếp theo là Ngữ văn với tỉ lệ 75,09% thí sinh đạt điểm trên trung bình; Ðịa lý cũng đạt tỉ lệ này khá cao với 74,66%. Các môn còn lại tỉ lệ học sinh đạt điểm trên trung bình khoảng 42-55%.

Một điểm chung của kết quả thi năm nay là tỉ lệ điểm thi môn Lịch sử ở các địa phương đều thấp hơn so với dự đoán khá nhiều. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, môn Lịch sử chỉ có 19,05% thí sinh có bài thi đạt từ điểm 5 trở lên còn lại 80,95% thí sinh đạt điểm dưới trung bình. Ðặc biệt, chỉ có 0,36% thí sinh đạt điểm loại giỏi trở lên, không có thí sinh nào đạt điểm 10.

Tại Ðồng Nai, chỉ 12,76% thí sinh có điểm 5 trở lên môn Lịch sử. Lãnh đạo Sở GD&ÐT tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, địa phương không nằm ngoài tình trạng chung, tỉ lệ thí sinh đạt điểm trung bình môn Lịch sử còn thấp hơn cả TP Hồ Chí Minh.

Dạy theo lối cũ không đáp ứng đổi mới thi cử

Một giáo viên dạy Lịch sử ở Trường THPT ở Hà Tĩnh cho biết, đề thi năm nay hay, phân hóa tốt học sinh. Tuy nhiên, khi tỉ lệ học sinh đạt điểm thi thấp hơn rất nhiều so với môn khác thấy chạnh lòng, buồn nhưng không sốc. Thứ nhất, học sinh thích môn Lịch sử nhưng so với các môn trong tổ hợp KHXH, việc học để thi lấy điểm môn này khó hơn các môn còn lại. Thứ hai, nhiều thí sinh xác định chỉ lựa chọn thi môn Sử để tốt nghiệp nên không đầu tư học ngay từ đầu. “Nếu không học thì ngay cả đề dễ cũng khó có điểm, huống hồ đề phân hóa thì điểm thấp là điều tất yếu”, giáo viên này nói. Ngoài ra, giáo viên này cũng cho rằng, nhiều ngành nghề của các trường ÐH, học viện hiện nay tuyển sinh không có môn Lịch sử nên trong bối cảnh “thi gì học nấy” như hiện nay, dễ hiểu vì sao học sinh không có mục tiêu để học môn Sử.

GS TS Phạm Hồng Tung, Chủ biên môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, điểm thi môn Lịch sử và Ngoại ngữ rất thấp là điều đáng buồn, phản ánh kết quả dạy học chưa đáp ứng được thi cử.

Riêng môn Lịch sử, sau kỳ thi ông đã đọc, kiểm tra hết tất cả các mã đề thi cho thấy đề năm nay đã ra theo hướng kiểm tra đánh giá năng lực học sinh thay vì kiểm tra việc ghi nhớ, nhận biết như trước đây.

Ðầu tiên, theo GS Tung , phương pháp ra đề năm nay được cho là bất ngờ nhất đối với thí sinh và giáo viên. Bởi lẽ, trước đây, đề thi đánh giá cách dạy hiện hành là chỉ tiếp cận nội dung, truyền thụ kiến thức, thi cử kiểm tra lại việc ghi nhớ của học sinh. Trong khi năm nay, đề dành đa số câu hỏi để yêu cầu học sinh phân tích, đánh giá, suy luận đáp án đúng trên nền tảng kiến thức đã có. 15% câu hỏi kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức. Kỹ thuật ra đề cũng tiến bộ hơn những năm trước vì đã có nhiều yếu tố gây nhiễu trong đáp án, buộc học sinh phải có kiến thức mới trả lời được. GS Hồng Tung khẳng định: “đây là xu hướng ra đề trong những năm tiếp theo và sẽ khó hơn”.

Theo các giáo viên THPT, so với dự đoán, điểm thi các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn như năm nay tốt hơn. Bởi đề thi được cho là khó, có sự phân hóa cao, nhiều câu hỏi khó trong khi thời gian không đủ để thí sinh làm bài. Ðặc biệt, môn Ngữ văn được cho là đề quá sức với học sinh nhưng kết quả phổ điểm đẹp hơn. 

GS.TS Phạm Hồng Tung, Chủ biên môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng kết quả môn Lịch sử đã bộc lộ chất lượng giáo dục theo cách cũ không đạt yêu cầu thi cử mới. Vì thế, cần có giải pháp thấu đáo, không nên đổ lỗi cho học sinh. Bởi lâu nay, học sinh chỉ được học cách ghi nhớ, ngồi nhét kiến thức nên học sinh cảm thấy nhàm chán. Các giáo viên trong trường THPT cũng không chỉ ra cho học sinh thấy ý nghĩa, học Lịch sử để làm gì.

Theo Nguyễn Hà (Tiền Phong)

Nổi bật