Huế - Đà Nẵng mải giằng co, Hải Vân quan hoang tàn

08/01/2016 15:09:55

Nhiều du khách khi qua đèo đều không khỏi xót xa trước sự xuống cấp của Hải Vân quan. "Đệ nhất hùng quan" thuở nào đang ngày một hoang tàn, trong khi câu chuyện phân định địa giới kéo dài hàng chục năm giữa Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng vẫn chưa có hồi kết.

Nhiều du khách khi qua đèo đều không khỏi xót xa trước sự xuống cấp của Hải Vân quan. "Đệ nhất hùng quan" thuở nào đang ngày một hoang tàn, trong khi câu chuyện phân định địa giới kéo dài hàng chục năm giữa Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng vẫn chưa có hồi kết.

Nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, cụm di tích Hải Vân quan mỗi ngày thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước tham quan, chụp ảnh. Công trình từng được ví là ‘đệ nhất hùng quan’ này được tu bổ năm 1826 đời Minh Mạng, cao 490m so với mực nước biển, làm nhiệm vụ phòng thủ cho kinh thành xưa.
 
‘Đệ nhất hùng quan’ hoang tàn trước thời gian và mưa nắng
 

Du khách thoải mái trèo lên các hạng mục tại cụm di tích để chụp ảnh. Ở đây còn có dịch vụ cho thuê thang để trèo lên chụp ảnh "tự sướng"

 
Trải qua hàng trăm năm phơi mưa nắng, không được bảo tồn, di tích này đã xuống cấp thấy rõ. Tường gạch phủ rong rêu, xung quanh lau sậy mọc đầy.

Trong cụm di tích này, nhiều hạng mục khác như lô cốt, thành lũy cũng hư hỏng, gãy vỡ. Bên trong chứa đầy rác rưởi, đất đá tạo nên vẻ nhếch nhác, hoang tàn.

Do thiếu quản lý, nhiều du khách vô tư trèo lên các di tích chụp ảnh. Thậm chí tại đây còn có dịch vụ cho thuê thang để trèo lên lô cốt, các khu vực cao trên di tích. Mỗi lượt dùng thang du khách phải trả 5.000 đồng.
 
Các phế tích khuất dần trong những bụi cây um tùm
 
Bên trong các lô cốt tại khu vực Hải Vân quan đều nhếch nhác, bẩn thỉu
 
Theo quan sát, lượng khách đổ về ngày càng nhiều khiến các dịch vụ ở khu vực này cũng trở nên béo bở. Những dãy nhà hàng chen chúc mọc lên một cách tự phát.

Đoạn đường trên đỉnh đèo Hải Vân hầu như lúc nào cũng ở tình trạng lộn xộn. Các loại phương tiện giao thông dừng đỗ bừa bãi để ăn uống hoặc lên núi tham quan.

Bao giờ di tích được "giải cứu"?

Sự xuống cấp của cụm di tích Hải Vân quan là hệ quả của cuộc giằng co kéo dài hàng thập kỉ giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, trong việc phân định ranh giới. Nhiều người ví von rằng, di tích này hiện không khác gì thân phận ‘một vợ hai chồng!”.
 

Một trụ lô cốt đã vỡ nát hoàn toàn phần mái che

Trao đổi với VietNamNet, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết dù rất muốn, nhưng đơn vị chưa thể thực hiện việc bảo tồn, trùng tu hay khai thác du lịch.

“Khu vực này hiện rất phức tạp, có một phần bên mình, một phần bên Đà Nẵng. Chúng tôi đã làm hồ sơ di tích gửi Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL nhưng chưa được chấp nhận, phải chờ phân định ranh giới rõ ràng đã”, ông Hải cho hay.

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm quản lý di sản văn hóa TP Đà Nẵng cũng thừa nhận, câu chuyện địa giới hành chính đang làm khó ngành văn hóa trong việc quản lý Hải Vân quan. Theo ông này, "số phận" cụm di tích còn phải chờ việc phân định ranh giới hai địa phương.
 

Do thiếu sự quản lý, đoạn đường qua đỉnh đèo Hải Vân (phía dưới Hải Vân quan) luôn xảy ra tình trạng lộn xộn, nhếch nhác và mất an toàn giao thông

Trong khi đó, ông Đàm Quang Hưng, Phó chủ tịch quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết hiện TP đang có chủ trương kêu gọi để đầu tư lại tại khu vực đỉnh đèo. Khu vực này từ lâu dân đã buôn bán, làm dịch vụ, hiện cần được chỉnh đốn lại. Đà Nẵng cũng lập một tổ công tác quản lý an ninh trật tự tại đây.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Thừa Thiên Huế thừa nhận diện mạo Hải Vân quan hiện đã hư hỏng, xuống cấp nặng nề do mưa gió, thiếu sự quản lý.

“Xưa Hải Vân quan là một khu tiền đồn bảo vệ kinh thành với chức năng là một hệ thống phòng thủ, bao gồm cả Cảnh Dương và Thuận An. Quan điểm của ngành là muốn làm hồ sơ để khoanh vùng bảo vệ, từ đó có kế hoạch tu bổ, phục vụ khách qua lại.

Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với Đà Nẵng để thống nhất khoanh vùng, bảo vệ cho di tích”, ông Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, việc xử lý tình trạng lộn xộn do buôn bán, làm dịch vụ trên Hải Vân đang gặp khó. “Chúng tôi giao cho thị trấn Lăng Cô quản lý nhưng vì là vùng giáp ranh nên cứ đuổi bên này dân lại chạy qua bên kia”.

Trước đó, báo VietNamNet đã phản ánh việc xây dựng công trình trái phép tại khu vực phòng thủ quân sự ở gần mũi Cửa Khẻm. Cũng bởi chưa phân định địa giới Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng mà cụm công trình này ngang nhiên tồn tại trái phép suốt nhiều năm qua.

Nhiều câu chuyện bi hài khác cũng đã xảy ra tại vùng đất giáp ranh này.

Theo Cao Thái (VietNamNet)

Nổi bật