Trong số đó, nhân viên tư vấn đã tiếp nhận hơn 9.200 cuộc gọi và hơn 4.500 cuộc được chuyển đến cho bộ phận chức năng. Khi chuyển đến bộ phận này, người dân sẽ được yêu cầu liên hệ với cán bộ xã/phường để làm việc, sau đó nếu vẫn có vướng mắc chưa thỏa đáng thì gọi lại tổng đài để được hỗ trợ.
Theo tổng hợp nhanh từ các ca trực, đối tượng gọi đến tổng đài nằm trong độ tuổi lao động, từ 25 đến dưới 60 tuổi.
Thống kê cho thấy nhóm lao động tự do như xe ôm, bán vé số, bán hàng rong, lái xe, bán hàng tạp hóa, bốc vác, phụ hồ, giúp việc, trông trẻ, gội đầu cắt tóc... gọi đến tổng đài nhiều nhất.
Ngoài ra, nhóm làm nông nghiệp, có đất nông nghiệp cũng liên hệ đến tổng đài để hỏi về việc có được hỗ trợ không và làm thế nào để được thụ hưởng gói hỗ trợ, việc kê khai đăng ký như thế nào…
Nhiều người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương cũng gọi đến tổng đài để thắc mắc về gói hỗ trợ. Nhóm này bao gồm nhiều ngành nghề, tuy nhiên chủ yếu là công nhân, giáo viên, người làm việc ở các công ty du lịch, trung tâm dạy tiếng Anh…
Bộ LĐTB&XH cho biết nhiều cuộc gọi từ nhóm này phản ánh việc doanh nghiệp từ chối trách nhiệm lập danh sách những người bị tạm hoãn hợp đồng lao động để gửi các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, nhóm thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công,... có số cuộc gọi thấp hơn 2 nhóm trên. Người dân chủ yếu hỏi về thời gian nhận được tiền và chính sách thụ hưởng dành cho người thuộc 2-3 nhóm đối tượng cùng lúc. Các nội dung khiếu nại, tố cáo cũng chủ yếu nằm ở cuộc gọi của nhóm này.
Trong khi đó, cuộc gọi của người bị chấm dứt hợp đồng lao động, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm số lượng không cao. Không có cuộc gọi nào đến từ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động và cuộc gọi về việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.
Trao đổi với PV báo Dân Trí, ông Nguyễn Bá Hoan Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo phản ánh: “Trước đó, nhiều cơ quan truyền thông đã thực hiện việc tuyên truyền rộng rãi về gói hỗ trợ. Nhưng nhiều người dân khi gọi tới chưa nắm được tinh thần chỉ đao chung của Chính phủ theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg. Do đó, thời gian tư vấn kéo dài, hiệu quả chưa cao”.
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Bá Hoan cho rằng, người dân trước hết cần chủ động tìm đọc Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg của Chính phủ. Sau đó tìm hiểu thêm với cán bộ xã, phường nơi cư trú để được giải đáp trước.
“Trên cơ sở giải đáp của địa phương và có vướng mắc chưa thỏa đáng, hoặc phản ánh tiêu cực trục lợi chính sách, người dân có thể gọi Tổng đài 111 hoặc 3 số điện thoại đường dây nóng đã được Bộ LĐ-TB&XH thông báo công khai để được giải đáp tiếp nhận phản ánh” - ông Nguyễn Bá Hoan lưu ý.
Từ ngày 1/5, Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 sẽ tiếp nhận và giải đáp thêm những vấn đề vướng mắc khi triển khai gói hỗ trợ đến người bị thiệt hại do dịch bệnh. Ngoài tổng đài 111, người dân cũng có thể gọi vào các số điện thoại: 0913.049.567; 0977.976.686 và 0913.378.816 để phản ánh, kiến nghị các vấn đề liên quan đến gói trợ cấp an sinh - xã hội 62.000 tỷ đồng.
HP (Nguoiduatin.vn)