Tại hội thảo khoa học "Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp giảm tử vong do Covid-19 " do Bộ Y tế tổ chức sáng 29-12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết đến nay cơ bản Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19 .
Tuy nhiên, khi bước vào thực hiện "thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng chống dịch hiệu quả", số ca mắc Covid-19 tại một số địa phương gia tăng, nhiều trường hợp phát hiện qua sàng lọc khi đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Vì thế, việc giám sát vùng nguy cơ cao để đảm bảo phát hiện sớm các ca mắc là rất cần thiết, từ đó cách ly, điều trị và có giải pháp xử trí phù hợp, góp phần hạn chế trường hợp tử vong.
"Để làm được việc trên phải kiểm soát ca mắc, tăng cường năng lực điều trị, sử dụng thuốc sớm, trong đó có nhiều thuốc mới, thuốc kháng thể đa dòng, đảm bảo oxy cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3" - ông Sơn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng yêu cầu toàn hệ thống điều trị rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến; tăng cường năng lực hồi sức tích cực...
Trạm y tế cần lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân loại theo các nhóm nguy cơ để quản lý. Các cơ sở thu dung, điều trị cần phân loại nguy cơ người bệnh Covid-19 ngay từ khi nhập viện.
Ông Nguyễn Trường Sơn cũng đặc biệt lưu ý trong phân loại người bệnh cần tập trung vào nhóm người nguy cơ cao - những người trên 50 tuổi, có bệnh nền, đặc biệt người chưa tiêm, chưa tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 để giám sát chặt chẽ, điều trị kịp thời, phù hợp.
"Các cơ sở y tế xây dựng và và điều chỉnh kế hoạch nhân lực, ca kíp, hạn chế tối đa việc nhân viên y tế trực quá 8 tiếng một ngày... Huy động sự tham gia của cộng đồng và mạng lưới các tình nguyện viên, Thầy thuốc đồng hành", người bệnh Covid-19 đã bình phục, người về hưu… cùng tham gia vào tư vấn, điều trị, chăm sóc, quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà"- ông nói.
Tại hội thảo, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết trong số ca mắc Covid-19 tại nước ta có 6% là bệnh nhân nặng; 8,3% ở mức trung bình; tỉ lệ bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng cao nhất với 85,7%.
Báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho thấy đến ngày 28-12, các địa phương có số ca đang điều trị cao: TP HCM (51.726), Bình Dương (42.159), Đồng Nai (41.147), Hà Nội (20.165), Cà Mau (16.061), Cần Thơ (15.157), Khánh Hòa (12.859), Trà Vinh (11.922), Đồng Tháp (10.936), Tây Ninh (10.584).
Các địa phương đang có số ca Covid-19 nặng cao: Đồng Nai (3.246), TP HCM (2.315), TP Cần Thơ (420), Long An (416), An Giang (399), Bình Dương (361), Bến Tre (336), Vĩnh Long (324), Hà Nội (315), Đồng Tháp (277) ca.
Theo thống kê 10 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong cao nhất cả nước là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, TP Cần Thơ, Đồng Tháp và Kiên Giang.
Qua phân tích số ca bệnh tử vong cho thấy người trên 65 tuổi chiếm 47,67% là người có bệnh nền; 36,58% là người từ 50-56 tuổi; 18-49 là 15,34%; nhóm từ 0-17 tuổi là 0,42%.
Ông Khuê cho biết tổng số ca tử vong từ 50 tuổi trở lên chiếm đến 84% vì vậy cần thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ này.
Theo D.Thu - H.Nguyễn (Nld.com.vn)