Sáng 18-11, các chủ ôtô bị ngập lụt đã đưa xe đến các garage, hãng đại lý để sửa chữa sau khi nước rút.
Thời điểm lũ từ đêm 14 đến ngày 16-11, tại nhiều điểm ngập như khu vực cầu Kiểm Huệ (thường gọi là cống Phát Lát), giao lộ Tố Hữu - Vũ Thắng ở phường Xuân Phú; Tỉnh lộ 10 ở phường Phú Thượng... có hàng trăm ôtô con bị ngập, hư hỏng.
"Thấy dự báo đỉnh lũ chỉ tương đương năm 2022 nên nhiều người ra đậu xe ở cầu Phát Lát, đường Tố Hữu vì nghĩ đã an toàn. Vậy nhưng nước dâng cao, vượt cả đỉnh lũ tháng 10-2020 nên xe không kịp chạy, cứu hộ vào không được" - chị Nguyễn Thùy Dương, một người dân sống tại khu chung cư Vicoland (phường Xuân Phú), cho biết.
Ông Đồng Sỹ Toàn - Trưởng Phòng Kinh tế TP Huế, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP Huế - cho biết đợt lũ vừa qua đã làm 85% địa bàn thành phố bị ngập, nhiều điểm ngập sâu nên lượng ôtô của người dân ảnh hưởng do nước là không ít.
Trước, trong và sau đợt lũ vừa qua, dù các cơ sở cứu hộ giao thông đã huy động hết phương tiện, nhân lực để đưa ôtô của khách về nơi sửa chữa nhưng vẫn không đáp ứng kịp.
Các garage ở TP Huế hầu như đã quá tải lượng ôtô con đến sửa chữa do bị nước ngập. Nhiều chủ garage từ chối tiếp nhận hoặc hẹn phải mất rất nhiều ngày mới trả được xe.
Ông Nguyễn Hùng Dũng, chủ garage ôtô Hùng Dũng trên đường Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ (TP Huế), cho biết từ tối 14-11 khi nước lũ sông Hương bắt đầu dâng thì cơ sở của ông đã nhận được rất nhiều cuộc gọi cầu cứu từ khách hàng.
Đến nay, gara của ông tiếp nhận khoảng 40 chiếc do ngập lụt đến sửa chữa, xe nhẹ nhất bị nước ngấm sàn, hệ thống điện bị hỏng, nặng phải làm lại máy.
"Có nhiều người mua bảo hiểm nên được thanh toán nhưng cũng có rất nhiều người đành phải tự bỏ tiền ra sửa chữa vì không mua bảo hiểm thủy kích" - ông Dũng cho biết.
Ông Dũng ước tính có tầm 600 - 700 chiếc ôtô của người dân TP Huế bị ngập nước đợt này, nhiều gấp đôi so với đợt lũ tháng 10 – 2020. Nhiều chủ garage khác cũng có nhận định tương tự như ông Dũng và lượng xe bị ngập lụt chủ yếu ở các vùng trũng bờ Nam sông Hương.
Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc hệ thống ôtô Hyundai Huế, cho biết họ đã tiếp nhận khoảng 50 xe ngập lụt đến sửa chữa.
Do số lượng xe quá nhiều nên hãng đã huy động toàn bộ nguồn lực, tăng ca, làm cả ngày nghỉ để xử lý kịp thời cho khách hàng.
"Phương án sửa chữa của chúng tôi là sẽ đánh giá mức độ hư hỏng của xe rồi đưa ra tư vấn cho khách hàng. Nội thất, băng ghế nệm sẽ được sấy hấp hoặc thay mới theo yêu cầu của chủ xe. Đối với các thiết bị điện nếu hư hỏng sẽ thay thế và được bảo đảm theo chính sách của hãng. Chất lượng xe khi xuất xưởng sẽ được chúng tôi đảm bảo" - ông Văn Anh nói thêm.
Theo đại diện của Chi nhánh Bắc Trung Bộ của Bảo hiểm Tổng Công ty Bảo hiểm Sài Gòn (BSH), đến hết ngày 17-11, họ đã tiếp nhận yêu cầu bảo hiểm của khoảng 30 trường hợp xe ngập lụt tại Thừa Thiên – Huế. Trong đó có một số trường hợp đối tượng bị thiệt hại thuộc các dòng xe sang như Mercedes, Toyota Camry…
"Chúng tôi đang trong quá trình giám định để tiến hành sửa chữa nên chưa có báo giá chính xác cho từng trường hợp. Theo ước tính thì trung bình các xe có giá sửa chữa dao động từ 4-6 triệu đồng.
Đối với trường hợp xe nước vào động cơ tốn khoảng 20 – 30 triệu đồng, đặc biệt có một trường hợp xe bị ngập sâu, ngập trong thời gian dài và thuộc dòng xe sang nên chi phí sửa chữa lên đến cả trăm triệu đồng. Chúng tôi bố trí cán bộ giám định tập trung chụp ảnh ghi nhận thiệt hại ban đầu giúp cho đơn vị sửa chữa tiến hành tháo rã và cứu chữa kịp thời." – đại diện BSH Bắc Trung bộ cho biết.
Làm gì khi ôtô bị thủy kích?
Theo khuyến cáo của các chuyên gia cứu hộ ôtô tại Huế, khi bị thủy kích (nước ngập), ban đầu chủ xe cần tắt máy, tháo cọc bình ắc quy, gọi cứu hộ để sớm đưa phương tiện đến nơi sửa chữa... Nếu không thể di chuyển xe thì sử dụng ngay biện pháp dùng bộ kích để nâng ôtô hoặc đưa đầu xe lên cao nhằm giảm thiểu rủi ro.
Theo Quang Nhật (Nld.com.vn)