Theo UNFPA, tình trạng này được phát hiện lần đầu tại Việt Nam vào năm 2004, và từ năm 2005, tỷ số giới tính khi sinh đã gia tăng nhanh chóng. Đến năm 2019, trong khi tỷ lệ giới tính khi sinh tự nhiên là 105 bé trai/100 bé gái, thì ở nước ta, con số này là 111,5 bé trai/100 bé gái, số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019.
Các bằng chứng cho thấy nguyên nhân dẫn tới mất cân bằng nhân khẩu học là do tình trạng lựa chọn giới tính trước khi sinh, tức là bỏ thai khi thai nhi được xác định là con gái.
Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2020 ước tính, mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái, tức là 40.800 bé gái tại Việt Nam mỗi năm sẽ không có cơ hội chào đời vì là thai nhi nữ.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chương trình Nghị sự 2030 vì Phát triển Bền vững đặt ra cho chúng ta 17 mục tiêu phát triển, nhưng Mục tiêu Phát triển Bền vững số 5 là đặc biệt quan trọng nhằm “đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái” trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong các tình huống khẩn cấp và khủng hoảng nhân đạo.
Chương trình Nghị sự 2030 đã đưa ra cam kết không bỏ ai lại phía sau. Điều này có nghĩa là trong nỗ lực phát triển của chúng ta, trẻ em gái phải là một ưu tiên”.
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)