Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 4 sau khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 16 giờ ngày 19-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất cấp 6, giật cấp 8. Dự báo trong 3 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15 km/giờ.
Trong 24 giờ qua, khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum đã có mưa to đến rất to như: Cửa Đạt 83 mm (Thanh Hóa); Thủy Điện Hủa Na 62,4 mm (Nghệ An); Hồ Mạc Khê 162 mm (Hà Tĩnh); Mai Hóa 193 mm (Quảng Bình); Đập thủy điện La Tó 321 mm (Quảng Trị); Hương Phú 330,6 mm (Thừa Thiên-Huế); Hòa Bắc 155 mm (TP Đà Nẵng); Trà My 264 mm (Quảng Nam); Trà Thanh 206 mm (Quảng Ngãi); Mường Hoong1 122 mm;...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, phía bắc Thừa Thiên-Huế mưa phổ biến từ 30-60 mm, có nơi trên 100 mm; khu vực Hà Tĩnh đến Quảng Trị mưa phổ biến từ 50-120 mm, có nơi trên 150 mm; tỉnh Kon Tum mưa phổ biến 10- 40 mm, có nơi trên 50 mm. Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện
Hơn 300 xã ở miền Trung có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
Lúc 16 giờ ngày 19-9, trang luquetsatlo.nchmf.gov.vn của cơ quan khí tượng cảnh báo có 304 xã, phường ở 10 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên nguy cơ sạt lở đất.
Còn bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã cảnh báo cụ thể các huyện, thị ở 10 tỉnh, thành miền Trung có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Cụ thể:
Tại Thanh Hóa gồm các huyện: Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân.
Tỉnh Nghệ An gồm các huyện: Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Tương Dương.
Tỉnh Hà Tĩnh gồm: Cẩm Xuyên, Can Lộc, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Nghi Xuân, Thạch Hà, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh, Vũ Quang.
Tỉnh Quảng Bình gồm: Bố Trạch, Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hóa.
Tỉnh Quảng Trị gồm: Cam Lộ, Đa Krông, Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, Triệu Phong, Vĩnh Linh.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế gồm: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, TP Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà.
TP Đà Nẵng gồm: Hòa Vang, Quận Liên Chiểu, Quận Sơn Trà.
Tỉnh Quảng Nam gồm: Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Nông Sơn, Núi Thành, Phú Ninh, Phước Sơn, Tây Giang, Thăng Bình, Tiên Phước.
Tỉnh Quảng Ngãi gồm: Ba Tơ, Bình Sơn, Minh Long, Sơn Tịnh, Trà Bồng.
Tỉnh Kon Tum gồm: Đắk Glei, Đắk Hà, Đắk Tô, Tu Mơ Rông.
Mực nước các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị đang lên nhưng còn dưới mức báo động (BĐ)1, riêng sông Kiến Giang (Quảng Bình) lên trên BĐ1, các sông ở Thanh Hóa có dao động, riêng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) đang xuống.
Lũ các sông đang lên
Từ hôm nay đến 21-9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên trên thượng lưu các sông từ 3-6 m, hạ lưu các sông từ 2-3 m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ tại sông Cả (Nghệ An), thượng lưu sông Mã (Thanh Hóa) và các sông nhỏ lên mức BĐ1 - BĐ2; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) lên mức BĐ2-BĐ3; hạ lưu sông Mã còn dưới mức BĐ1; hạ lưu sông La (Hà Tĩnh) lên mức BĐ1; đỉnh lũ các sông từ Quảng Bình, Quảng Trị lên mức báo động BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2, các sông nhỏ có khả năng lên mức BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi từ Thanh Hóa đến Quảng Trị.
Theo Văn Duẩn (Nld.com.vn)