Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII sáng 25/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị lần này sẽ thảo luận, cho ý kiến về việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém", Tổng Bí thư khẳng định công tác cán bộ là khâu then chốt xây dựng Đảng. Trong đó, quy hoạch cán bộ bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài.
"Phải thật sự công tâm, khách quan, tuyệt đối không thiên vị, không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá, có quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực", Tổng bí thư nói.
Ông cho biết, việc này sẽ được làm từng bước chắc chắn, chặt chẽ. Quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương, mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sau đó mới đến các chức danh chủ chốt.
"Trên cơ sở gần 250 đồng chí được các địa phương, cơ quan, đơn vị phát hiện, giới thiệu, Ban Chỉ đạo đã phối hợp với các ban đảng Trung ương rà soát, lựa chọn báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã thống nhất giới thiệu để Trung ương cho ý kiến với hơn 200 đồng chí", Tổng bí thư cho biết.
Sau Hội nghị Trung ương, căn cứ vào kết quả giới thiệu, sự rà soát, thẩm định của Ban Chỉ đạo, Bộ Chính trị sẽ quyết định bước một quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tổng Bí thư đề nghị các Ủy viên Trung ương phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ Tờ trình của Bộ Chính trị trước khi ghi phiếu giới thiệu.
Việc Quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khoá mới đã được tiến hành trước đó với bốn bước từ cơ sở theo kế hoạch của Bộ Chính trị. Bước đầu tiên là tập thể lãnh đạo (ở địa phương là Ban Thường vụ, ở các Bộ ngành là Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng) đánh giá từng trường hợp và thông qua danh sách dự kiến. Ở các bước tiếp theo, hội nghị cán bộ chủ chốt, tập thể lãnh đạo và mở rộng sẽ lần lượt góp ý, bỏ phiếu kín... để chốt danh sách.
Một trong những điểm mới của quy trình lần này so với trước đây là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của các cấp uỷ, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự.
Ba độ tuổi được quy hoạch là dưới 55, dưới 50 và dưới 45. Trong đó với độ tuổi dưới 55, người được xem xét đưa vào quy hoạch là bí thư, phó bí thư các tỉnh, thành, thứ trưởng và tương đương... Còn nhân sự dưới 50 tuổi thì chức vụ hiện hành có thể thấp hơn so với nhóm trên. Cụ thể như Bí thư huyện ủy, giám đốc sở, ngành và tương đương, thường trực HĐND, thường trực UBND...
Nhóm dưới 45 tuổi thì không yêu cầu phải giữ chức vụ như hai nhóm trên, nhưng cũng phải nằm trong diện được giới thiệu vào các chức danh do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (phó bí thư tỉnh ủy, thứ trưởng và tương đương). Đây là diện cán bộ tạo nguồn cho các khóa tiếp theo, có thể tham gia dự khuyết Trung ương.
Sau bốn bước trên, khâu quan trọng nhất được thực hiện ở Trung ương với quy trình 5 bước. Đầu tiên, tổ giúp việc của Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ tổng hợp nhân sự giới thiệu của địa phương, bộ, ban ngành; phân tích xem đã đúng đối tượng hay chưa, có đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí không?
Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo sẽ thẩm định, khám sức khoẻ nhân sự theo quy định của Ban bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Trung ương; lấy ý kiến thẩm định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, vấn đề liên quan đến công tác kiểm tra Đảng.
Tiếp đó, Ban chỉ đạo báo cáo Bộ Chính trị xem xét rồi mới trình Trung ương. Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, các đại biểu sẽ nghiên cứu tờ trình, văn bản liên quan và giới thiệu bằng phiếu.
Từ giới thiệu này, Ban chỉ đạo tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị để phê duyệt. Các nhân sự được phê duyệt sẽ nằm trong quy hoạch vào Ban chấp hành Trung ương lần đầu.