Tối 7-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành và các bộ trưởng, trưởng cơ quan ngang bộ về vấn đề đưa đón người dân về quê.
Theo Thủ tướng, việc người dân di chuyển về quê là nhu cầu chính đáng, nhưng nếu không tổ chức tốt việc đưa đón, để người dân tự đi sẽ dẫn tới nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Các tỉnh thành phải bố trí phương tiện, vận chuyển an toàn với những người không có phương tiện hoặc người già, phụ nữ có thai, trẻ em có nhu cầu. Các tỉnh thành dọc đường đi có trách nhiệm phối hợp đảm bảo giao thông thông suốt, có sự hỗ trợ nếu cần thiết.
Các tỉnh thành nơi đến có trách nhiệm đón, nhận bàn giao và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch theo yêu cầu. Các tỉnh, thành nếu phát hiện người dân tự phát từ vùng có dịch về quê đang đi qua địa phương thì chủ động hỗ trợ cần thiết, thông báo cho các tỉnh, thành phố nơi đến và tổ chức người dân di chuyển an toàn, không để lây lan dịch bệnh.
Sóc Trăng: Ca mắc Covid-19 tăng nhanh, Chủ tịch tỉnh chỉ đạo khẩn biện pháp chống dịch
Sáng 8.10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh vừa ghi nhận thêm 89 ca dương tính Covid-19, trong đó có 58 ca là người dân từ vùng dịch tự phát về quê, 22 ca qua xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng liên quan Công ty CP chế biến thủy sản Út Xi (ấp Hà Bô, xã Tài Văn, H.Trần Đề)...
Qua thống kê, từ ngày 1.10 đến nay, Sóc Trăng ghi nhận 155 ca dương tính Covid-19 là người từ các tỉnh, thành Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, TP.HCM… tự phát về địa phương.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bệnh tăng nhanh, đặc biệt nhiều ca nhiễm mới trong cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu vừa ký công văn hỏa tốc, chỉ đạo khẩn các sở, ngành, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, quyết tâm cao để thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Lâm Đồng xuất hiện chùm ca Covid-19 hàng chục người chưa rõ nguồn lây
Sáng 8-10, tin từ ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, cho biết: Trong vòng 1 ngày qua, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 30 ca Covid-19; trong đó, xuất hiện chùm 25 ca Covid-19 tại Làng hoa Vạn Thành (Phường 5, TP Đà Lạt), 5 ca còn lại gồm: 2 vợ chồng lái xe chở hàng nội tỉnh, 2 ca là công dân về Bảo Lộc từ TP HCM và 1 ca từ Bình Dương về Lâm Hà.
Riêng, chùm ca bệnh Covid-19 tại Làng hoa Vạn Thành (Phường 5, TP Đà Lạt) là trường hợp bệnh nhân T.T.L.H đến khám tại Khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng và người nhà đi cùng là bệnh nhân T.T.A có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 vào sáng 7-10.
Đến 7 giờ sáng nay (8-10), liên quan đến chùm ca bệnh Covid-19 mới tại Làng hoa Vạn Thành (Phường 5, TP Đà Lạt) đã phát hiện 25 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Nghệ An: Test nhanh phát hiện nhiều người đã tiêm vắc-xin từ phía Nam về nhiễm SARS-CoV-2
Sáng 8-10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An cho biết trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 7-10 đến 6 giờ ngày 8-10), tỉnh Nghệ An ghi nhận 5 ca dương tính SARS-CoV-2 mới, trong đó có 4 trường hợp là người đi từ các tỉnh phía Nam về quê. Đáng chú ý, trong đó có những người tiêm từ 1 đến 2 mũi vắc-xin.
Trường hợp thứ nhất là anh P.C.D. (SN 1995), trú xóm Phan Đăng Lưu, xã Nam Thành, huyện Yên Thành. Được biết, bệnh nhân đã được tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19.
Trường hợp thứ 2 là ông V.V.Đ. (SN 1973), trú bản Khe Ló, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Tối 6-10, bệnh nhân đi từ TP HCM về đến Con Cuông. Được biết, ông Đ. đã được tiêm 2 mũi vắc-xin Covid-19.
Trường hợp thứ 3 là ông N.V.T. (SN 1971), trú bản Khe Ló, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Tối 6-10, ông T. đi từ TP HCM về đến Con Cuông. Được biết, ông T. đã được tiêm 1 mũi vắc-xin Covid-19.
Trường hợp thứ 4 là chị N.T.T. (SN 1995), trú xóm 5, xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu. Ngày 5-10, chị T. đi từ Bình Dương về đến Diễn Châu. Được biết, bệnh nhân T. đã được tiêm 1 mũi vắc-xin Covid-19.
Trường hợp thứ 5 là chị L.T.T.G. (SN 1983), trú khối Hải Giang 1, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò. Chị G. là F1 của bệnh nhân N.T.N. đã được công bố trước đó.
Hàng ngàn người dân sẽ về Quảng Bình bằng tàu lửa
Theo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, đợt vận chuyển người dân về Quảng Bình lần này là đợt vận chuyển, hỗ trợ người dân về quê lớn nhất của ngành đường sắt từ đầu dịch đến nay với số lượng khoảng 2.800 người.
Cụ thể, sáng 8/10, sẽ có hai chuyến tàu xuất phát tại ga Sài Gòn. Chuyến tàu đầu tiên là tàu SE16 xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 8 giờ, đến ga Dĩ An đón người dân và xuất phát tại ga này lúc 9 giờ. Sau đó, tàu sẽ dừng tại ga Biên Hòa và xuất phát lúc 9 giờ 42. Chuyến tàu thứ hai là tàu SE18 xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 10 giờ 40, đến ga Dĩ An đón người dân và xuất phát tại ga này lúc lúc 11 giờ 42, tàu sẽ dừng tại ga Biên Hòa và xuất phát lúc 12 giờ 22.
Tương tự, ngày 9/10, hai chuyến tàu gồm SE16, SE18 cũng xuất phát tại ga Sài Gòn và đến các ga Dĩ An và Biên Hòa để đón người dân vào khung giờ trên. Khi tàu tới địa phận Quảng Bình, người dân sẽ xuống tàu tại các ga Mỹ Đức, Đồng Hới, Hoàn Lão, Minh Lệ và Đồng Lê.
Số ca mắc giảm dần, số ca tử vong giảm mạnh những ngày đầu tháng 10
Ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết: "3 đợt dịch đầu chúng ta đã khống chế dịch rất tốt, khống chế được số tử vong. Đợt dịch thứ 4 với số mắc và số tử vong tăng nhiều, tỉ lệ tử vong chung trên thế giới là 2,04%, Việt Nam 2,5% và hiện giảm còn 2,4%" - ông Khuê cho biết.
Tỉ lệ tử vong, theo ông Khuê, nếu tính cả 150.000 - 200.000 trường hợp dương tính sau xét nghiệm nhanh thì tỉ lệ mắc/chết cả nước và tại TP.HCM sẽ giảm xuống dưới 2%. Tuy nhiên, hiện còn số tử vong tại nhà chưa khai thác được nên tỉ lệ tử vong đang tạm tính trên số ca có xét nghiệm RT-PCR, đến nay là 2,4%.
Trong 1 tháng vừa qua (từ 7/9 đến 6/10), số tử vong đã giảm từ 300 - 400 ca/ngày xuống còn trên 100 ca những ngày gần đây. Đặc biệt tại TP.HCM, số tử vong đã giảm từ 250 - 280 ca/ngày đầu tháng 9 hiện còn 88 ca/ngày (6/10).
Tối 7/10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang cho biết hôm nay, địa phương này ghi nhận thêm 183 F0. 80 trường hợp trong số này về từ TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Như vậy, từ ngày 1/10 đến 7/10, An Giang có 231 F0 được ngành y tế bóc tách từ hơn 42.000 người về quê. Theo thống kê, F0 trở về từ Bình Dương là 95 người, còn lại là Long An (77), TP.HCM (48) và Đồng Nai (10).
Tại Sóc Trăng, trong 89 F0 mới phát hiện có 22 người được sàng lọc tại cộng đồng liên quan Công ty Cổ phần chế biến thủy sản Út Xi ở xã Tài Văn, huyện Trần Đề. Như vậy, trong 3 ngày liên tiếp, ổ dịch tại doanh nghiệp này có 253 F0 trong cộng đồng.
Trong ngày 7/10, Sóc Trăng ghi nhận 58 F0 về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Những ngày trước, địa phương này đã ghi nhận gần 100 người nhiễm nCoV trong các nhóm hồi hương.
Cùng ngày, Cà Mau có 71 F0 mới, trong đó 55 ca là người về quê từ 4 tỉnh, thành phố phía nam. Tính từ ngày 3/10 đến nay, tỉnh này ghi nhận 165 F0 trong các đoàn người về quê.
Để giảm tải cho các khu cách ly tập trung, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho người tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19 sẽ cách ly tại nhà trong 7 ngày. Người tiêm 1 mũi vaccine đủ 14 ngày và F0 khỏi bệnh sẽ cách ly tại nhà trong 2 tuần. Trường hợp còn lại sẽ cách ly tập trung.
UBND tỉnh An Giang cũng vừa quy định trường hợp nào xét nghiệm âm tính sẽ được cách ly tại nhà. Số người cách ly tại nhà hiện nay khoảng 25.000 người và sẽ còn tăng.
Tỉnh Cà Mau cũng cho những trường hợp âm tính nCoV được cách ly tại nhà nhưng trong 28 ngày. Những người được cách ly tại nhà ở Cà Mau phải đảm bảo không sống cùng người thân. Vì vậy, nhiều gia đình là họ hàng đã vận động nhau nhường nhà cho người về quê.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)