Anh Trần Quang Khải, 43 tuổi, là phi công cấp 1, Phó trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371. Quá trình phục vụ trong quân ngũ, anh đã vinh dự nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba.
Ngày 18/6, phi công Trần Quang Khải được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng thăng quân hàm từ cấp thượng tá lên đại tá.
Trong ký ức người thân, đại tá Trần Quang Khải là người đàn ông vững chãi, ấm áp, hay cười và có tình yêu vô hạn với bầu trời. Đồng đội nể phục anh là người chỉ huy bản lĩnh, nhạy bén, tham mưu giỏi, luôn quan tâm đến cấp dưới.
Anh lập gia đình muộn ở tuổi 40 với nữ giáo viên, con gái còn nhỏ. Cuộc sống hạnh phúc chưa bao lâu, anh đi xa bỏ lại những giấc mơ dang dở.
Đồng đội đón anh Khải trở về đất liền lúc hoàng hôn ngày 18/6. Ảnh: Hải Bình |
Sáng 14/6, đội hình tiêm kích Su-30 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Đến 7h29', chiếc Su-30MK2 số hiệu 8585 mất liên lạc cùng hai phi công là thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi) và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi).
Một ngày sau, anh Nguyễn Hữu Cường được tàu cá của ngư dân cứu sống tại vùng biển Nghệ An, cách nơi nghi máy bay gặp nạn khoảng 28 hải lý về phía đông bắc đảo Mắt. Chiều cùng ngày, anh Cường về đất liền an toàn.
Chiến dịch tìm kiếm phi công mất tích được mở rộng từ vùng biển Hà Tĩnh đến Hải Phòng với sự tham gia của hàng nghìn người và gần 200 phương tiện. Quá trình tìm kiếm, máy bay tuần thám CASA-212 số hiệu 8983 chở 9 người đã rơi trên vùng biển Hải Phòng, cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 44 hải lý. Hiện, chưa ai được tìm thấy song nhiều mảnh vỡ của chiếc CASA đã trôi trên biển.
18h ngày 17/6, ngư dân Nghi Lộc (Nghệ An) phát hiện thi thể phi công Trần Quang Khải quấn trong vải dù, cách đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) khoảng 33 hải lý. Ngay trong đêm, anh Trần Quang Khải được tàu biên phòng đưa về đất liền.