Hội nghị Trung ương 8: Bàn nhiều nội dung hệ trọng

03/10/2018 08:18:08

Ngày 2-10, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Hội nghị Trung ương 8)

Hội nghị Trung ương 8 diễn ra trong 5 ngày, từ 2 đến 6-10. Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2019; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; quy định về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương...

Còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý một số khía cạnh liên quan đến các nội dung và nhiệm vụ của hội nghị, có tính chất gợi mở, nêu vấn đề, để Trung ương quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định.

Về kinh tế - xã hội (KT-XH), tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018- 2019, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc Trung ương xem xét, cho ý kiến về vấn đề KT-XH, tài chính - NSNN năm nay có nhiều nội dung mới, sâu rộng, dài hạn và toàn diện hơn so với 2 năm trước. Trung ương nghiên cứu kỹ các tài liệu; căn cứ vào thực tế tình hình đất nước và nơi công tác để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình KT-XH, tài chính - NSNN; chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân; chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2018 và cho cả nhiệm kỳ khóa XII, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng ở mức 6,5% - 6,7% năm 2018 và 6,5% - 7% cho 5 năm 2016-2020…

Tổng Bí thư dự báo các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, nhất là những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn và thách thức phải nỗ lực vượt qua. Cố gắng tìm ra các chính sách, biện pháp đột phá khả thi, phù hợp với những diễn biến mới của tình hình thế giới và khu vực, nhất là tình trạng căng thẳng và xung đột thương mại giữa các nước lớn, những diễn biến phức tạp của thị trường tài chính - tiền tệ và giá dầu thô thế giới.

Tổng Bí thư nêu rõ cần khắc phục những hạn chế, yếu kém mà các báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã chỉ ra, như: Việc đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; tăng trưởng xuất khẩu vẫn dựa chủ yếu vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay tồn tại nhiều vấn đề xã hội bức xúc, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường; khiếu kiện về đất đai vẫn còn phức tạp…

Hội nghị Trung ương 8: Bàn nhiều nội dung hệ trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 vào ngày 2-10Ảnh: TTXVN

Xây dựng nghị quyết mới về Chiến lược biển Việt Nam

Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Tổng Bí thư khẳng định tầm quan trọng của biển, đảo và đây là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan đến phát triển kinh tế biển gắn với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển.

Tổng Bí thư khẳng định: "Việc trình Trung ương xem xét, ban hành nghị quyết mới về Chiến lược kinh tế biển Việt Nam là hết sức quan trọng và cần thiết, không chỉ xuất phát từ thực tế Nghị quyết số 09 giới hạn thời gian đến năm 2020 mà còn do nhiều lý do khách quan, chủ quan khác. Trong đó có tình hình quốc tế, khu vực và trong nước đã và đang có nhiều thay đổi đòi hỏi phải có sự bổ sung, phát triển về quan điểm và điều chỉnh về mục tiêu cụ thể, định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế biển…".

Theo Tổng Bí thư, việc ban hành nghị quyết sẽ định hướng cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, pháp luật và các chương trình, đề án, dự án tổ chức thực hiện của Chính phủ, các địa phương và các cơ quan liên quan, đặc biệt là việc huy động nguồn lực trong Kế hoạch đầu tư trung hạn cho phát triển kinh tế biển và ven biển, phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển KT-XH đất nước giai đoạn 2021-2030.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu, thảo luận thật kỹ, toàn diện, từ đó xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng

Tổng Bí thư nhấn mạnh một nội dung đáng chú ý tại Hội nghị Trung ương 8 là công tác xây dựng Đảng. Theo đó, Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tổng Bí thư nêu rõ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tổng Bí thư đề nghị các Ủy viên Trung ương và các đại biểu tham dự hội nghị bằng kinh nghiệm của mình và thực tiễn phong phú ở địa phương, cơ quan, đơn vị đang công tác, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực, có tính khả thi, trực tiếp sửa vào dự thảo Quy định, tạo sự thống nhất cao trong Trung ương và ban hành được quy định để tổ chức triển khai thực hiện. 

Trình Trung ương nhân sự Chủ tịch nước

Liên quan đến công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết theo thông lệ và kinh nghiệm chuẩn bị các đại hội trước đây, tại Hội nghị Trung ương 8, Bộ Chính trị trình Trung ương dự kiến thành lập 5 tiểu ban: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; Tiểu ban Điều lệ Đảng; Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Tổ chức phục vụ đại hội. Các tiểu ban có nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung (năm 2011) và Báo cáo chính trị; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Báo cáo kinh tế - xã hội 5 năm; Báo cáo về công tác xây dựng Đảng 5 năm và Báo cáo tổng kết việc thực hiện Điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có) và Báo cáo công tác nhân sự.

Tổng Bí thư cũng nêu rõ tại Hội nghị Trung ương 8 lần này, Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII và xem xét, quyết định thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng.

Có cán bộ lãnh đạo vi phạm nghiêm trọng

Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như: nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. "Đặc biệt, có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân" - Tổng Bí thư nói.

Theo Thế Dũng (Nld.com.vn)