Học thêm, dạy thêm: 'Cuộc đua' bị cấm nhưng không ai muốn bỏ cuộc

12/05/2025 16:18:36

Dù Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 29/2024 nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động dạy thêm, học thêm, thực tế tại các thành phố lớn như Hà Nội cho thấy cuộc đua “học thêm cuối cấp” vẫn đang diễn ra sôi động dưới những hình thức tinh vi và khéo léo hơn.

“Đồng lõa lách luật” để con không bị bỏ lại phía sau

Chị Minh Trang (38 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con gái đang học lớp 5, đặt mục tiêu thi vào lớp 6 của một trường THCS chất lượng cao. Ngay từ khi Thông tư 29 có hiệu lực, chị đã chuẩn bị tinh thần cho việc trung tâm học thêm của con có thể phải đóng cửa. Tuy nhiên, điều khiến chị “thở phào” là lớp chỉ chuyển sang học online một vài buổi rồi nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường.

“Miễn con tôi được học, được chuẩn bị kỹ lưỡng kiến thức để thi vào trường tốt, tôi sẵn sàng. Tôi không quan tâm trung tâm gọi lớp đó là gì, miễn là con không trắng tay bước vào phòng thi”, chị Trang chia sẻ.

Học thêm, dạy thêm: 'Cuộc đua' bị cấm nhưng không ai muốn bỏ cuộc
Phụ huynh sẵn sàng lách luật để con được ôn luyện. Ảnh: Trịnh Hải

Theo chị, các trường chất lượng cao giờ không còn tổ chức thi tuyển mà chuyển sang đánh giá năng lực – một hình thức kiểm tra vẫn đòi hỏi học sinh phải có tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề dựa trên kiến thức nâng cao. Vì vậy, nếu không được luyện tập trước, con chị khó có cơ hội cạnh tranh.

Chị Khánh Linh (45 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng trong tình trạng tương tự. Sau lệnh cấm, trung tâm con chị theo học thông báo các buổi học sẽ chuyển thành “giờ kỹ năng” nhưng nội dung vẫn là Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh nâng cao.

Không chỉ gửi con đến trung tâm, chị Linh còn cho con tham gia các nhóm học online tự tổ chức. “Chúng tôi không gọi đó là học thêm, mà là "bồi dưỡng theo nhu cầu". Giáo viên thì toàn người có kinh nghiệm luyện thi cho học sinh giỏi”, chị nói.

Kỳ nghỉ lễ 5 ngày, nhiều gia đình vẫn ở lại Hà Nội để cùng con 'chạy nước rút' ôn thi vào lớp 6 trường điểm. Con gái lớp 5 của chị Mai Anh (47 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã có lịch ôn thi dày đặc suốt 3 năm qua với mục tiêu đỗ vào các trường điểm như THCS Ngoại ngữ, Cầu Giấy, Nguyễn Tất Thành.

“Không học thêm từ sớm thì rất khó cạnh tranh”, chị khẳng định. Ban đầu, con học thêm 3 buổi mỗi tuần, mỗi buổi 2 ca cho ba môn: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Càng gần ngày thi, tần suất tăng lên 5 buổi/tuần. Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, dù giáo viên cho nghỉ, nhóm phụ huynh vẫn xin học tiếp. “Thời gian không còn nhiều, con cần tăng tốc ôn luyện”, chị chia sẻ. Trong kỳ nghỉ, cả gia đình dành nửa ngày thư giãn, nửa ngày còn lại là học online và tự học 2-3 tiếng.

Giáo viên một trường tiểu học tại quận Đống Đa, Hà Nội nhận định, thị trường học thêm chỉ đang “thay áo” chứ không hề lụi tàn. Các lớp học nhỏ tại nhà, học online, học nhóm kín, hoặc núp bóng lớp “trải nghiệm”, “rèn luyện tư duy”, “kỹ năng mềm”… vẫn âm thầm hoạt động. Bà nhận định: “Tất cả đều biết mình đang vi phạm, nhưng phụ huynh cần, học sinh cần, giáo viên cũng cần. Vậy thì ai là người dám đứng ra phá vỡ vòng tròn này?”

Giải pháp nào cho căn bệnh "sốt học thêm"?

Chuyên gia giáo dục cho rằng, việc cấm dạy thêm bằng các mệnh lệnh hành chính là chưa đủ. TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: “Muốn giải quyết tận gốc, cần nâng cao chất lượng dạy học chính khóa. Giáo viên phải hiểu năng lực từng em, giao bài và hỗ trợ học sinh ngay tại lớp. Cùng lúc, nhà trường cũng cần có cơ chế trả công xứng đáng để giáo viên không phải tìm nguồn thu bên ngoài”.

TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục, cảnh báo: “Nhiều lớp học thêm hiện nay không có giấy phép, không rõ người phụ trách, tiềm ẩn nhiều rủi ro như giảng dạy sai phương pháp, thiếu an toàn cơ sở vật chất, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần học sinh”. Bà khuyến cáo phụ huynh cần tỉnh táo, lựa chọn nơi học uy tín, minh bạch về chương trình và học phí, đồng thời thường xuyên trao đổi với giáo viên về tiến độ và phương pháp dạy học.

Quan trọng hơn cả, theo các chuyên gia, chính là sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh. Khi bố mẹ bớt đặt nặng thành tích, bớt xem điểm số là thước đo duy nhất của thành công, thì học sinh mới thật sự có cơ hội phát triển toàn diện. Khi đó, “cơn sốt” học thêm sẽ hạ nhiệt và không ai cần phải chạy theo nữa.

Theo Trịnh Hải (SHTT)

Nổi bật