Sáng 4/4, một nam sinh viên đang học năm thứ 5 ĐH Bách khoa Hà Nội được phát hiện tử vong tại lớp học trong tư thế treo cổ. Nhà trường xác nhận, trước khi sự việc xảy ra, nam sinh này có biểu hiện trầm cảm.
Sau đó 1 ngày, 5/4, một nữ sinh lớp 6 ở Hà Tĩnh cũng đã để lại thư tuyệt mệnh rồi gieo mình xuống sông tự tử khi cho rằng mẹ không thương yêu mình như em trai.
Trước đó, vào năm 2022, một học sinh lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4, TP. HCM) cũng nhảy từ tầng 3 tự tử. Qua xác nhận của bạn bè, học sinh này có dấu hiệu trầm cảm từ trước và từng chia sẻ với các bạn nhiều điều lạ lùng, trong đó có ý định tự tử.
Những vụ việc tương tự xảy ra thời gian qua khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Cũng trong năm 2022, một nghiên cứu về tình trạng tự sát ở thanh thiếu niên được nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ (Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) và các cộng sự thực hiện từ tháng 4/2021 đến tháng 4/2022 gây nhiều chú ý. Kết quả công bố tại hội thảo Chăm sóc sức khỏe tinh thần diễn ra ngày 27/12/2022.
Chia sẻ với VietNamNet, nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ cho biết: "Dữ liệu khảo sát sàng lọc mà chúng tôi thực hiện trên 400 trẻ vị thành niên từ 12-16 tuổi đã phát hiện rằng có độ vênh khá rõ giữa số lượng em không có nguy cơ tự sát với số em có nguy cơ cao, rất cao".
Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy các biểu hiện, ý định tự sát của vị thành niên ở mức độ 1 (điểm trung bình chung là 1,49), nghĩa là vị thành niên “không có biểu hiện” của ý định tự sát.
Kết quả này phản ánh trẻ vị thành niên ở TP.HCM có các biểu hiện liên quan đến ý định tự sát ở mức thấp nhất trong thang điểm, đây là một tín hiệu khá an toàn.
Tuy nhiên, điểm trung bình này cũng cung cấp một số thông tin cho thấy thực trạng đáng báo động về tình hình sức khỏe tâm thần của trẻ vị thành niên hiện nay, các em cần nhận được sự quan tâm từ các bên có liên quan.
Cụ thể, ở biểu hiện “Em cố ý tự gây thương tích cho bản thân, hoặc có hành vi tự sát” có đến 41 trẻ chọn điểm 5 (chiếm 10%). Ở biểu hiện “Em suy nghĩ cẩn thận, có ý thức và lên kế hoạch trước cho cái chết”, có 34 trẻ chọn điểm 5 (chiếm 9%) hoặc ở biểu hiện “Em hay bị xây xát, tai nạn, rủi ro” chiếm 9% trẻ chọn điểm 5 (tương ứng 35 trẻ)...
Kết quả thống kê cho thấy vị thành niên không có các biểu hiện bất thường thuộc về ý định tự sát khi bế tắc, khó khăn. Mặt khác, khi các chuyên gia tiến hành sàng lọc kết quả từ các phiếu điều tra bằng bảng hỏi thu được theo từng cá nhân, lại đưa ra kết quả đáng lo ngại.
Cụ thể, có 8/400 trẻ vị thành niên ở TP.HCM tham gia khảo sát có điểm trung bình của ý định tự sát ở mức độ cao (mức độ 4). Đáng chú ý, có 3 em học lực giỏi, 5 em học lực khá.
8 trẻ vị thành niên này được sàng lọc 2 lần bằng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi (sàng lọc lần 1) và phương pháp trắc nghiệm (sàng lọc lần 2), sau đó bằng phương pháp phỏng vấn sâu để nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu và thực hiện các biện pháp can thiệp, hỗ trợ tâm lý.
"Chính độ vênh giữa 2 cực không có - có cao/rất cao nguy cơ tự sát ở trẻ vị thành niên khiến chúng tôi quan ngại và mong muốn thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu hơn để phân tích rõ hiện trạng này", nghiên cứu sinh này nói.
Đáng lo ngại không chỉ là tổn thương tâm lý
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ cho biết, dưới góc độ Tâm lý học phát triển, trẻ vị thành niên là một giai đoạn lứa tuổi đầy căng thẳng và biến động với rất nhiều sự thay đổi lớn lao về tâm, sinh lý.
Cảm xúc căng thẳng, bối rối, sợ hãi và nghi ngờ mạnh mẽ về chính mình có thể ảnh hưởng đến khả năng giải quyết vấn đề và ra quyết định của trẻ vị thành niên. Đôi lúc, các em cũng có thể cảm thấy áp lực phải thành công hoặc phải “bằng bạn, bằng bè”.
Đây là giai đoạn khiến nhiều trẻ vị thành niên cảm thấy bị cô lập khỏi gia đình hoặc bạn bè và gia tăng nguy cơ tự sát nếu không có sự lắng nghe, hỗ trợ và can thiệp kịp thời. Ngoài ra, những bối cảnh cụ thể có thể góp phần khiến vị thành niên suy nghĩ đến việc tự sát.
Điều này đặc biệt khó khăn khi trẻ vị thành niên phải đối mặt với những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của các em, chẳng hạn như: trầm cảm, cha mẹ ly hôn, sự hình thành gia đình mới (ví dụ cha mẹ kế và anh chị em kế), di chuyển đến một nơi sinh sống khác, lạm dụng thể chất hoặc tình dục, tiếp xúc với bạo lực gia đình, lạm dụng chất kích thích…
Nghiên cứu sinh cũng đánh giá điều đáng lo ngại nhất là hiện nay, khi đề cập đến vấn đề tự sát ở trẻ vị thành niên không chỉ là con số hay tổn thương tâm lý, mà ở sự hạn chế và lúng túng trong công tác phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ tâm lý cho vị thành niên có hoặc không có nguy cơ, đã thực hiện nhưng không thành công hoặc chỉ đang lên ý tưởng thực hiện tự sát.
Giả định rằng cha mẹ các em có đủ đầy hiểu biết, quan tâm đến đời sống tinh thần và các trăn trở của con; thầy cô giáo được trang bị và sẵn sàng hỗ trợ tâm lý cho các em khi phát hiện các dấu hiệu nguy cơ và nhà chuyên môn về tâm lý có đủ năng lực thực hiện các biện pháp phòng ngừa, can thiệp, những sự việc đau lòng đã không xảy ra…
"Sẽ không có một biện pháp cụ thể nào để can thiệp hành vi tự sát ở trẻ vị thành niên vì động cơ thực hiện ở mỗi cá nhân là khác nhau và sẽ phụ thuộc vào bối cảnh, sự kiện kích hoạt hoặc các nguyên nhân bên trong và bên ngoài khác.
Do đó, qua cuộc khảo sát này, nhóm chúng tôi khuyến nghị các biện pháp nên làm ở hiện tại là cần tập trung vào nâng cao nhận thức của vị thành niên, của gia đình, nhà trường và cộng đồng về tự sát ở người trẻ và các dấu hiệu nguy cơ.
Đồng thời, các đơn vị chức năng cần đầu tư và phát triển công tác tư vấn tâm lý học đường ở các trường phổ thông để kịp thời phát hiện sớm những em có nguy cơ tự sát hoặc nguy cơ về rối loạn sức khỏe tâm thần khác để hỗ trợ, can thiệp đúng lúc, đúng thời điểm".
Theo Ngân Anh - Lê Huyền (VietNamNet)