Học sinh tốt nghiệp THCS song bằng 'không biết về đâu': Sở GD-ĐT Hà Nội lý giải

14/06/2022 06:07:49

Nhiều phụ huynh có con theo học chương trình THCS hệ song bằng ở Hà Nội lo lắng, thậm chí bức xúc khi con vào cảnh “tốt nghiệp xong không biết đi đâu, về đâu” khi chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ song bằng THPT rất ít ỏi.

Từ năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT Hà Nội triển khai đào tạo thí điểm chương trình hệ song bằng Cambridge và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại 7 trường THCS công lập với tổng chỉ tiêu 350 học sinh. Khi đó, các trường triển khai đào tạo gồm Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ); Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy); Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy); Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam (quận Cầu Giấy); Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm).

Phụ huynh lo lắng vì chỉ có 100 suất học song bằng cấp 3 công lập

Năm nay, hàng trăm học sinh lứa học chương trình song bằng đầu tiên ở Hà Nội đã tốt nghiệp THCS. 

Dù theo thông tin mới đây từ Sở GD-ĐT Hà Nội, học sinh tốt nghiệp THCS và hoàn thành chương trình đào tạo song bằng tú tài năm học 2021-2022 có thể hoàn toàn yên tâm bởi chương trình này vẫn tiếp tục được triển khai ở cấp THPT trong năm học 2022-2023. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng, thậm chí bức xúc khi con em họ dù tốt nghiệp hệ song bằng bậc THCS nhưng không chắc suất được học lên tiếp hệ song bằng ở bậc THPT các trường công lập. Và nếu điều đó diễn ra, theo các phụ huynh, con em họ bỗng vào diện “không biết đi đâu, về đâu”.

Bởi tại hướng dẫn tuyển sinh lớp 10 chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-Level) năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, 2 trường THPT sẽ đào tạo chương trình này là THPT Chu Văn An và THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Tuy nhiên, mỗi trường chỉ tuyển 2 lớp với tổng số học sinh khoảng 50. 

Như vậy, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-Level) năm học 2022-2023 chỉ khoảng 100 chỉ tiêu.

Thực tế, năm ngoái, trước việc chỉ tiêu hệ song bằng cấp THCS lên tới 350 nhưng ở THPT chỉ 100, và nhiều học sinh đã học hệ này ở cấp THCS nhưng không có cơ hội tiếp tục học bậc THPT, Sở GD-ĐT Hà Nội từng dự kiến tăng chỉ tiêu song bằng THPT để đảm bảo 60% học sinh song bằng trúng tuyển - tương tự tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường THPT công lập bình thường.

Đầu tháng 5, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề xuất về việc tăng quy mô tuyển sinh lớp 10 chương trình song bằng, dự kiến mỗi trường THPT Chu Văn An và THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam tuyển 4 lớp, tức gấp đôi mức các năm trước áp dụng. Tuy nhiên, cuối cùng, kế hoạch này không được thực hiện trong năm học 2022-2023.

Học sinh tốt nghiệp THCS song bằng 'không biết về đâu': Sở GD-ĐT Hà Nội lý giải
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

“Như vậy, giờ đây tối đa thì trong số hàng trăm học sinh theo học chương trình song bằng hệ THCS chỉ có 100 em vào được lớp 10 chương trình song bằng tại 2 trường này. Vậy số học sinh còn lại sẽ đi đâu, về đâu”, một phụ huynh phàn nàn.

Sở GD-ĐT nói gì?

Trước những thắc mắc của phụ huynh về vấn đề này, trao đổi với VietNamNet, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, theo Đề án, số chỉ tiêu vào lớp 10 hệ song bằng THPT công lập là 100, với 4 lớp.

Tuy nhiên, theo vị này, cần làm rõ và phụ huynh, học sinh cần hiểu rằng 2 Đề án là hoàn toàn độc lập, riêng biệt: một cho bậc THCS là để lấy chứng chỉ IGCSE nếu đủ điều kiện, còn Đề án còn lại cho bậc THPT là để lấy chứng chỉ A-level, chứ không phải là một Đề án chung học từ THCS rồi lên THPT.

Cụ thể, ở bậc THCS là Đề án “Thí điểm chương trình đào tạo song bằng THCS Việt Nam và Chứng chỉ IGCSE tại một số trường THCS tại Hà Nội”.

Ở bậc THPT là Đề án thí điểm đào tạo song bằng trong giai đoạn 5 năm chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-level).

“Cần hiểu rõ là 2 Đề án hướng đến mục tiêu giúp học sinh có các chứng chỉ khác nhau, chứ không phải là các bằng tốt nghiệp của cấp THCS để liên thông cấp THPT. Có thể nói việc học sinh có nhu cầu học IGCSE và A-level là 2 hệ không liên quan theo kiểu liên thông. Chứ không phải có chứng chỉ IGCSE là điều kiện để học chứng chỉ A-level. Nếu là một đề án thì phải có sự liên thông, nhưng bản chất đây lại là 2 đề án khác nhau” - vị này nói.

“Ở mỗi bậc, Cambridge sẽ chịu trách nhiệm về mặt khảo thí. Học sinh hoàn thành chương trình, đủ điều kiện thi sẽ dự thi để lấy chứng chỉ, kết quả đạt thì được cấp chứng chỉ". 

Theo vị này, Đề án ở bậc THCS hướng đến việc các em có thêm chứng chỉ IGCSE để thuận lợi cho những dự định, còn việc theo học chương trình gì, ở đâu tiếp ở bậc THPT do lựa chọn của các học sinh, gia đình.

“Các học sinh theo hệ song bằng THCS có thêm chứng chỉ đó, còn cơ hội và cạnh tranh vào hệ song bằng THPT thì như các thí sinh khác và cũng không ảnh hưởng gì”.

Vị này cho hay, khi có chứng chỉ IGSCE là nền tảng để các học sinh thi vào các chương trình ở bậc THPT. Ngoài 2 trường THPT công lập là THPT Chu Văn An và THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, học sinh có thể đăng ký dự tuyển chương trình đào tạo song bằng vào các trường ngoài công lập có hệ Cambridge, như: THCS và THPT Alfred Nobel; THCS và THPT Nguyễn Siêu; THCS và THPT TH school; THCS và THPT Việt Úc Hà Nội; Trường Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring, Vinschool, Horizon…

Như vậy, theo vị này, ở mùa tuyển sinh năm học 2022-2023, tất cả học sinh đủ điều kiện sẽ được đăng ký dự tuyển vào lớp 10 chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-Level), chứ không riêng các học sinh tốt nghiệp hệ song bằng THCS từ 7 trường THCS mà Hà Nội thí điểm.

Tuy nhiên, vị này cũng cho hay, Đề án thí điểm đào tạo song bằng tú tài cho bậc THPT hiện cũng chỉ đến năm học 2022-2023 là hết hạn. Theo vị này, hiện, các trường đang xây dựng đề án đề xuất cho giai đoạn tiếp theo.

“Đã là Đề án thí điểm thì sau thời gian triển khai phải có đánh giá hiệu quả, nếu UBND TP thấy hiệu quả và đủ điều kiện triển khai thì mới tiếp tục.

Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp Đề án cho bậc THPT mà các trường xây dựng không được UBND TP thông qua triển khai tiếp, thì phụ huynh, học sinh đã và đang học hệ này cũng yên tâm bởi chỉ không tuyển mới, còn các em sẽ được đào tạo bình thường cho đến khi tốt nghiệp” - vị này nói.

Thế nhưng, một số phụ huynh cho rằng việc Sở GD-ĐT Hà Nội không thông tin một cách cụ thể về khả năng liên thông từ đầu, cũng như số chỉ tiêu vào lớp 10 hệ song bằng năm học 2022-2023 quá ít ỏi, giống như “mang con bỏ chợ”.

“Đành rằng, như Sở GD-ĐT Hà Nội nói, có thể đăng ký dự tuyển chương trình đào tạo song bằng vào các trường ngoài công lập có hệ Cambridge, nhưng ai cũng hiểu học phí so với các trường công lập là quá đắt đỏ, không phải gia đình nào cũng theo được” - một phụ huynh chia sẻ.

Theo tìm hiểu của VietNamNet, mức học phí hệ song bằng cấp THPT của các trường ngoài công lập hầu hết gấp đôi, thậm chí còn cao hơn, nếu so học phí các trường công lập.

Theo Đề án, mức học phí chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-Level) ở 2 trường công lập là THPT Chu Văn An và THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam là 7,5 triệu đồng/tháng. Học phí cả khóa là 180 triệu đồng (7,5 triệu đồng x 24 tháng).

Trong khi đó, chỉ tính riêng học phí, mức thu mỗi tháng của hệ này ở Trường Phổ thông Alfred Nobel là 15 triệu đồng; học phí mỗi năm học của Trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu là 160 triệu đồng, còn Trường Liên cấp Việt - Úc Hà Nội cũng gần 160 triệu đồng...

Theo Hoàng Lan (VietNamNet)

 

Nổi bật