Học sinh dễ lạm dụng, lười tư duy
Một trong những điểm mới đáng chú ý tại Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học được bộ GD&ĐT vừa ban hành là bỏ quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Thay vào đó, học sinh sẽ được sử dụng điện thoại phục vụ học tập, với điều kiện phải được sự cho phép của giáo viên. Quy định này vừa ban hành đã tạo nên một làn sóng dư luận mạnh mẽ với những ý kiến trái chiều.
Cô giáo T.T.Đ. - giáo viên một trường THCS tại Vĩnh Phúc - nêu quan điểm: “Nhà trường không nên cho học sinh sử dụng điện thoại vì giáo viên sẽ không giám sát được, liệu học sinh có sử dụng đúng mục đích hay không. Học sinh thường có xu hướng lợi dụng sự cho phép của thầy cô mà sử dụng vào mục đích khác. Trước đây, tôi cũng từng bắt gặp học sinh sử dụng điện thoại làm việc riêng trong giờ, đã trao đổi với phụ huynh và học sinh phải cam kết không tái phạm. Thực ra, khi có điện thoại trong cặp, học sinh chỉ muốn lấy ra để dùng mà không tập trung vào học tập. Chưa kể, có điện thoại thì học sinh cũng dễ ỷ lại, phụ thuộc vào Google, rồi động đến vấn đề gì cũng muốn dùng điện thoại tra cứu, dẫn đến lười tư duy, suy nghĩ…”.
Bên cạnh đó, một số ý kiến ủng hộ quy định trên nhưng vẫn nhận định rõ hai mặt lợi - hại khi áp dụng trong nhà trường. Cô Nguyễn Thị Minh Tuyết - giáo viên trường THPT số 1 TP.Lào Cai - thì cho rằng: “Thời đại công nghệ thông tin mà không cho sử dụng thiết bị để tra cứu dữ liệu phục vụ học tập là “đi ngược quy luật”. Tuy nhiên, học sinh cũng rất dễ lợi dụng để làm việc khác. Giáo viên phải bao quát lớp, giám sát và nhắc nhở từng học sinh. Đặc biệt, phải có quy ước trước, nếu sử dụng sai mục đích thì sẽ bị xử lý như thế nào, và phải có quy chế phối hợp với phụ huynh”.
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - bày tỏ: “Tôi đồng tình với chủ trương của bộ GD&ĐT. Đây là một cái nhìn tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, tạo điều kiện cho việc đổi mới phương pháp dạy học được hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần rất cẩn trọng khi áp dụng vào thực tế vì điều này có hai mặt, nếu áp dụng không tốt thì lợi bất cập hại!”.
Triển khai đồng bộ để tránh áp lực cho giáo viên
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ThS. Phan Thế Hoài - giáo viên môn Ngữ văn tại TP.Hồ Chí Minh - cho biết: “Những năm qua, tôi cũng đã cho học sinh bậc THPT sử dụng điện thoại thông minh để tìm kiếm tài liệu phục vụ cho việc học trong giờ học tăng tiết (buổi 2). Những tiết học như thế, học sinh làm việc nhóm, tôi ghi lên bảng dòng chữ “Học sinh được phép sử dụng điện thoại di động với thời gian... phút”. Mục đích là khống chế thời gian của học sinh và khi lãnh đạo đi kiểm tra thì biết thầy trò đang dạy và học nghiêm túc. Tôi cũng quy định rõ, điện thoại phải tắt chuông, nếu em nào nhắn tin hay làm việc riêng thì bản thân sẽ bị trừ điểm, khi tái phạm thì bị 0 điểm, và theo đó, nhóm cũng bị đánh giá thấp về điểm số”.
“Tuy nhiên, theo tôi, học sinh bậc THCS không nên sử dụng điện thoại di động trong học tập. Lý do, học sinh sẽ đua đòi mua điện thoại đắt tiền cho bằng bạn bè mà gia đình có điều kiện kinh tế. Ở bậc học này chưa cần thiết phải tìm hiểu tài liệu học tập ở trên lớp bằng điện thoại thông minh, vì kiến thức chỉ mang tính “phổ thông”.
Bên cạnh đó, sĩ số lớp học thường đông, có khi trên 50 học sinh/lớp, trong khi tuổi các em còn nhỏ, ý thức chưa cao nên giáo viên rất khó khăn trong việc giám sát. Cuối cùng, điện thoại thông minh thường đắt tiền, chẳng may một em nào đó bị mất cắp thì sẽ gây ra hệ luỵ rất lớn cho học sinh, phụ huynh và thầy cô đứng lớp. Tôi chưa bao giờ cho học sinh bậc THCS sử dụng điện thoại thông minh phục vụ cho việc học cũng bởi những lý do đó” - ThS. Phan Thế Hoài lý giải.
Thầy Trần Mạnh Tùng đánh giá: “Thông tư 32 của bộ GD&ĐT, để đi được vào cuộc sống, là cả một câu chuyện dài. Việc này đặt “gánh nặng” lên các nhà trường, nhất là các giáo viên bộ môn. Ngay khi Thông tư ra đời, nhiều người đã rất lo lắng, nhất là các bậc phụ huynh, điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi ngay cả người lớn cũng có nhiều người dùng điện thoại không đúng cách”.
Thầy Tùng cũng phân tích một số khó khăn đối với giáo viên như: Nguồn lực dùng cho điện thoại để hỗ trợ dạy và học còn thiếu và yếu; Khó kiểm soát được việc sử dụng điện thoại đúng cách của học sinh; Một số học sinh có thể không có hoặc không mang điện thoại đến lớp, không đáp ứng được yêu cầu, nền tảng mạng yếu kém; Không triển khai được đồng bộ giữa các giáo viên, các lớp, các địa phương,… dẫn đến việc làm thiếu hiệu quả; Nền tảng kiến thức công nghệ thông tin của chính các giáo viên khác nhau quá nhiều; Thiếu hướng dẫn chi tiết từ phía bộ GD&ĐT.
“Việc triển khai hoàn toàn do các nhà trường chủ động, tuy nhiên, để thực hiện thống nhất và hiệu quả, rất cần sự chỉ đạo và hướng dẫn chi tiết của bộ GD&ĐT. Các nhà trường cần giáo dục, hướng dẫn giáo viên và học sinh cách sử dụng điện thoại để dạy và học đúng cách, xây dựng bộ quy tắc để sử dụng điện thoại hiệu quả. Giáo viên bộ môn cần trau dồi thêm kiến thức, nền tảng về công nghệ thông tin có thể áp dụng, để xây dựng các nội dung có thể dùng điện thoại hỗ trợ. Đồng thời, phối hợp với phụ huynh để cùng hỗ trợ và hướng dẫn học sinh biết cách sử dụng điện thoại phục vụ học tập một cách hợp lý. Bộ, Sở cũng có thể xây dựng các phần mềm, các cơ sở dữ liệu dùng chung để giáo viên, học sinh khai thác một cách hiệu quả.
Theo tôi, cần rất nhiều thời gian và sự chuẩn bị để Thông tư 32 có thể triển khai rộng rãi. Trước mắt, hầu hết các nhà trường sẽ vẫn chọn “giải pháp an toàn”, đó là chưa cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học” - thầy Tùng nhấn mạnh.
Theo Cẩm Mịch (Nguoiduatin.vn)