Theo đó, học sinh, học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp có thời gian nhập học từ ngày 4/5. Việc đi học lại được phân bổ theo từng khối, lớp, không tập trung đồng loạt.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở LĐTBXH phải xây dựng kế hoạch cụ thể việc đi học trở lại, hướng dẫn cụ thể các giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19.
Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các quận, huyện cần hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục (kể cả trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở dạy thêm, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn du học...) thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống Covid-19.
Đối với các cơ sở mầm non công lập, ngoài công lập, nhóm trẻ, UBND các quận, huyện cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra phòng dịch trước khi trẻ đi học lại.
Trước đó, từ giữa tháng 3, thành phố đã triển khai chương trình dạy học trên truyền hình cho học sinh lớp 9 (hơn 87.000 em) và 12 (hơn 63.000 em) ôn tập, chủ động cho kỳ thi lớp 10 và THPT quốc gia.
Học sinh lớp 9 đã được học 45 tiết các môn Toán, Văn, tiếng Anh; học sinh lớp 12 học 48 tiết ở môn Toán, Văn, tiếng Anh, Sinh, Lý, Hóa.
Với các khối còn lại, thành phố tổ chức dạy trực tuyến bằng kho tài nguyên số, dạy học trên truyền hình, thực hiện tinh giản môn học.
Năm học 2019-2020, 22 triệu học sinh mới học hết tuần 20 (trong tổng số 35-37 tuần) thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19 cho đến nay. Hiện, hầu hết các tỉnh, thành đã quyết định cho học sinh đi học trở lại trong tháng 4 và đầu tháng 5.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch từ tháng 2 đến nay, ngoài việc học sinh bị ảnh hưởng, hơn 80% giáo viên, nhất là khối giáo dục mầm non ngoài công lập bị mất việc.