Chia sẻ thông tin về môn Tin học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, PGS. TS Hồ Sĩ Đàm - Ban Phát triển Chương trình môn Tin học cho biết, trong nhiều năm qua, môn Tin học gặp nhiều khó khăn, bất cập do quan niệm chưa đúng vai trò quan trọng của môn học này. Thậm chí, nhiều người cho rằng môn học này "con nhà nghèo" khó mà học được vì còn thiếu thốn máy tính…
Tuy nhiên, đến nay môn học này đã được đánh giá đúng, không còn là môn học tự chọn nữa mà sắp tới sẽ trở thành môn học chính kéo dài ở các năm học phổ thông. Môn Tin học cũng cần phải được đầu tư máy tính cho học sinh.
Môn Tin học có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho học sinh khả năng tiếp nhận và sáng tạo tri thức trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Vì thế, trong chương trình Giáo dục Phổ thông, vị trí của môn Tin học đã có nhiều thay đổi.
PGS.TS Hồ Sĩ Đàm nhấn mạnh, Tin học sẽ là môn học bắt buộc có phân hóa, được dạy xuyên suốt từ lớp 3 đến lớp 9 (trong chương trình hiện hành là môn tự chọn). Ở bậc trung học phổ thông, môn Tin học có vị trí hoàn toàn bình đẳng với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí... và được phân hóa theo 2 định hướng: "Tin học ứng dụng" và "Khoa học máy tính.
Chương trình Tin học xác định 3 mạch kiến thức hòa quyện là: Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin và truyền thông, Học vấn số hóa phổ thông. Ngoài việc tiếp tục coi trọng các mạch kiến thức Công nghệ thông tin - truyền thông và học vấn số hóa phổ thông, chú trọng đến mạch Khoa học máy tính hơn trước.
Trong chương trình hiện hành, nội dung lập trình và thuật toán chủ yếu được dạy tập trung ở lớp 8 và lớp 11 theo cách tiếp cận nội dung mang tính hàn lâm, làm cho học sinh khó tiếp thu và không hiệu quả. Nội dung thuật toán, cấu trúc dữ liệu, lập trình là thành phần cơ bản của Khoa học máy tính giúp hình thành và phát triển tư duy máy tính.
"Chương trình Tin học mới sẽ đưa nội dung đó trải rộng cả 3 cấp học, chú trọng phương pháp dạy học tích cực, ở giai đoạn giáo dục cơ bản sử dụng các ngôn ngữ lập trình trực quan, hiện đại, phù hợp với lứa tuổi, giúp học sinh tự làm ra được sản phẩm số, gây được hứng thú học tập và sáng tạo" - PGS. TS Hồ Sĩ Đàm nhấn mạnh.
Đưa ra nhận định về môn Tin học phổ thông sắp tới, T.S Nguyễn Thành Nam - Hiệu trưởng Đại học Trực tuyến FUNix cho biết, trong tương lai, mọi thiết bị đều là thiết bị thông minh, nếu chỉ dạy học sinh sử dụng các thiết bị ấy thì chỉ tạo nên một thế hệ thụ động. Điều mà nền giáo dục tương lai hướng tới là dạy học sinh làm chủ thiết bị, nói chuyện, trao đổi và thay đổi nó. Đó cũng là điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Tin học ở các nước tiên tiến và Việt Nam cũng sẽ triển khai trong thời gian tới.
"Học lập trình chính là học ngôn ngữ để có thể nói chuyện với những thiết bị thông minh. Tôi cho rằng đấy là ngôn ngữ của tương lai và trẻ em cần học càng sớm càng tốt. Làm chủ các thiết bị công nghệ, có thể trao đổi, nói chuyện, thay đổi nó cũng thiết yếu giống như học ngoại ngữ, âm nhạc hay toán học" - TS. Nam chia sẻ.
Môn Tin học chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai đại trà ở lớp 6 vào năm 2021, sau đó là các lớp còn lại vào các năm sau theo lộ trình.
Theo Quang Anh (Giadinh.net.vn)