Con ghỉ dài phụ huynh vui, buồn lẫn lộn
Mới đây, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thông tin, Bộ đang xây dựng dự thảo kế hoạch năm học 2020 - 2021, dự kiến áp dụng từ kỳ nghỉ hè năm sau, học sinh sẽ được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè. Thời gian kết thúc năm học là ngày 31/5. Thời gian bắt đầu năm học mới từ ngày 1/9. Thông tin này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Không ít ý kiến đồng tình, song cũng có ý kiến lo lắng con nghỉ hè dài, bố mẹ không biết bố trí trông nom cho con thế nào…
Là phụ huynh có hai con học tiểu học, chị Nguyễn Bích Đào (ở đường Giải Phóng, Hà Nội) cho biết: "Đợt nghỉ vì dịch COVID-19 vừa qua, con được nghỉ trọn 3 tháng, dù vất vả chăm non, kèm cặp việc học, song đó cũng là "phép thử" việc con được nghỉ hè suốt 3 tháng là thế nào. Tôi nghĩ rằng, sau một năm học, học sinh cần được nghỉ ngơi để tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao nâng cao sức khỏe theo đúng nghĩa. Tôi không đồng ý với những kiểu "biến tướng" kỳ nghỉ hè thành học kỳ 3 để thu tiền của phụ huynh…".
Dù đồng tình, tuy nhiên phụ huynh Trần Tâm (ở Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: "Học sinh cần được nghỉ hè theo đúng nghĩa. Tuy nhiên, việc sắp xếp, bố trí quản lý con cũng khá nan giải. Cần có những hoạt động tương ứng cho học sinh được tham gia vui chơi, giải trí… chứ không phải là các hoạt động dịch vụ để thu tiền với mức cao mà phụ huynh không có sự lựa chọn nào khác".
Hàng năm, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) vào tuần cuối cùng của tháng 8 mới tập trung học sinh, đồng nghĩa với việc học sinh được nghỉ khoảng 3 tháng hè. Bà Đỗ Thị Thủy - Phó hiệu trưởng phụ trách khối tiểu học cho biết: "Nghỉ hè vào dịp nắng nóng ở miền Bắc là phù hợp, song nghỉ 3 tháng là khá dài. Đặc điểm tâm sinh lý của học sinh là chóng quên, nên việc quên kiến thức cũng hết sức bình thường. Vào tháng 9, giáo viên dạy học cũng khá vất vả vì vừa phải dạy kiến thức mới, vừa ôn kiến thức cũ. Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng đó không phải vấn đề lớn đối với giáo viên và hoàn toàn làm tốt công việc của mình…".
Nghỉ hè là khoảng thời gian quan trọng với học sinh
Trước những ý kiến trái chiều của các bậc phụ huynh, cũng như lo ngại học sinh quên kiến thức, BS Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: "Với quy định dự kiến của Bộ GD&ĐT vào năm học tới học sinh hoàn toàn được nghỉ hè, là người làm công tác bảo vệ trẻ em lâu năm, tôi thấy thấy rất hợp lý. Đối với các cấp trung học, có thể thời gian nghỉ hè rút ngắn hơn, nhưng với học sinh tiểu học, tôi hoàn toàn ủng hộ việc nghỉ trọn 3 tháng hè. Không nên viện cớ vào lý do học sinh mải chơi quên kiến thức".
Theo BS Nguyễn Trọng An, nghỉ hè là phải cho học sinh chơi thoải mái, đến thời gian cuối hè mới cho học sinh tập dần lại với môi trường học tập, chứ không nên dạy thêm, học thêm. Trong thời gian nghỉ hè, nên cho trẻ học những kỹ năng phòng chống đuối nước, bảo vệ mình trước xâm hại… Làm sao trang bị được cho trẻ những kiến thức đó, mà trong năm học ở trường học các thầy cô giáo chưa có thời gian để dạy kỹ.
Phụ huynh có thể hỗ trợ cho con làm thế nào để ở nhà một mình, cách quản lý con, bởi bố mẹ không có thời gian để trông con. Đó cũng là một khó khăn, nhưng cần phải tháo gỡ. Chức năng của Hội đồng Đội Trung ương là tổ chức các hoạt động vui chơi an toàn tại cộng đồng, quản lý học sinh tham gia các câu lạc bộ múa hát, đá bóng… Nghỉ 3 tháng hè, cần tập trung vào dạy phòng chống tai nạn thương tích. Do thiếu sân chơi mà trẻ em ra đường chơi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, đuối nước… Các bậc cha mẹ và gia đình cần quan tâm đến.
"Nghỉ hè, học sinh cần được nâng cao sức khỏe vì trong năm học đã căng thẳng học tập, giờ đến lúc xả hơi để phục hồi sức khỏe, tinh thần sảng khoái. Song song với vui chơi, vận động phải chú trọng đến sức khỏe tinh thần, văn hóa, văn nghệ, thư viện có người hướng dẫn. Để đảm bảo những ngày hè hoàn toàn thoải mái, an toàn đối với học sinh. Tôi phản đối việc viện cớ của các thầy cô giáo cho rằng học sinh quên kiến thức mà bắt ép học sinh học hè. Chỉ những trường hợp học sinh yếu, kém hổng kiến thức mới bồi dưỡng cho các em, chứ không phải tổ chức học hè theo diện ép buộc, đại trà", BS Nguyễn Trọng An nêu quan điểm.
Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2020 - 2021, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình. Vì vậy, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) như với cấp Tiểu học. Qua đó tăng thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm và tăng thời gian nghỉ hè cho giáo viên và học sinh.
Theo Quang Anh (Giadinh.net.vn)