Những năm qua, hàng loạt vụ học sinh tự tử vì trầm cảm, bế tắc trong cuộc sống một lần nữa cho thấy các vấn đề tâm lý, sức khỏe tinh thần ở lứa tuổi học sinh ngày càng gia tăng và phổ biến.
Để phòng ngừa những sự việc này cần quan tâm và chú trọng đội ngũ những người làm công tác tham vấn tâm lý học đường là ý kiến chung của nhiều chuyên gia tại hội thảo Mô hình tham vấn học đường ở trường phổ thông, diễn ra ngày 19/12, tại ĐH Sư phạm TP.HCM.
Học sinh trầm cảm ngày càng nhiều
Thạc sĩ Phạm Thị Bích Phượng, giáo viên tham vấn học đường của trường THPT Marie Curie TP.HCM, cho biết từ đầu năm đến nay, trường này tiếp nhận rất nhiều trường hợp cần tư vấn tâm lý, trong đó có nhiều ca trầm cảm phải dùng thuốc điều trị.
Chưa kể nhiều trường hợp vì ái ngại gia đình đã giấu thông tin. Đa số các vấn đề tâm lý các em gặp phải đều ở cấp THCS, nghĩa là rất sớm.
Xã hội càng hiện đại, học sinh càng dễ mắc phải các vấn đề về tinh thần, tâm lý và xu hướng này ngày càng tăng. Tuy nhiên, không phải ai cũng được gia đình quan tâm và nhà trường phát hiện.
Cô Bích Phượng nhớ mãi trường hợp nhận tư vấn tâm lý cho nạn nhân của xâm hại tình dục. Em này trầm cảm rất nặng nhưng gia đình không biết, cũng như không quan tâm. Thậm chí, em đã không còn niềm tin vào gia đình và người thân của mình nữa.
Nữ giáo viên cho hay học sinh rơi vào bị bệnh trầm cảm vì nhiều lý do khác nhau. Phần lớn đều thiếu sự quan tâm của gia đình, không gần gũi với cha, mẹ. Nhiều học sinh bị bệnh rất nặng nhưng không có nguồn hỗ trợ, giúp đỡ điều trị.
"Thuốc trầm cảm phải điều trị trong một thời gian dài, đòi hỏi kinh tế gia đình phải khá. Đó là ở những em được gia đình quan tâm. Nhiều trường hợp gia đình không biết và chính các em cũng không còn niềm tin vào người thân. Việc hỗ trợ điều trị gặp rất nhiều khó khăn", cô Phượng nói.
Giáo viên tham vấn còn thiếu và yếu
Vai trò của giáo viên tư vấn học đường hay chuyên viên tư vấn tâm lý rất quan trọng và cần thiết trong nhà trường. Tuy nhiên, đội ngũ này hiện nay vẫn còn thiếu và yếu.
Theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng, khoa Tâm lý học (ĐH Sư phạm TP.HCM), khảo sát cho thấy các trường phổ thông tại Sài Gòn đã tuyển dụng giáo viên làm công tác tham vấn học đường. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có điều kiện tuyển dụng những người chuyên trách. Nhiều thầy cô là giáo viên kiêm nhiệm.
Theo số liệu của Cục thống kê, năm học 2014-2015, TP.HCM có 891/936 trường phổ thông thực hiện chương trình tham vấn học đường, gần 100 trường có phòng tham vấn học đường.
100% các cơ sở giáo dục công lập tại TP.HCM có phòng tham vấn học đường, nhưng chỉ có gần 120 giáo viên đúng chuyên ngành làm công tác này, chủ yếu ở bậc THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên.
Các giáo viên kiêm nhiệm gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tham vấn học đường. Chuyên môn chưa thật vững, kỹ năng chưa thuần thục và quan trọng nhất là hạn chế về thời gian.
Mặt khác, hiện nay, Nhà nước chưa có quy định rõ ràng, cũng như sự giám sát đối với người làm công tác trong ngành tâm lý học.
GS.TS Đoàn Văn Điều, khoa Tâm lý giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM), cho hay điều cần nhất hiện nay chính là xin mã nghề cho tâm lý học.
"Chúng ta đang dùng những khái niệm tù mù, kể cả việc dùng chức danh giáo viên tâm lý cho những người làm tham vấn học đường cũng không đúng. Điều đó đòi hỏi phải có mã nghề để quản lý, từ đó đưa ra quy định hành nghề cũng như những chế độ đãi ngộ, trả lương phù hợp”, GS Điều nói.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên. Làm sao để đáp ứng nhu cầu được tư vấn, tham vấn của các em, trong khi nguồn kinh phí lại rất eo hẹp, là một câu hỏi lớn.
Tuy nhiên, cô Phạm Thị Bích Phượng cho rằng: "Đợi quy định chính thức sẽ rất lâu. Chúng ta hãy cứ làm đi và phải làm tốt, có hiệu quả, khi đó tự xã hội sẽ công nhận. Đừng đợi, hãy chủ động".
Học sinh Việt Nam rối loạn tâm thần vì áp lực học tập Lịch học dày đặc, áp lực điểm số, thi cử khiến nhiều trẻ em và trẻ vị thành niên nước ta bị rối loạn tâm thần. |
Theo Minh Nhật (Tri Thức Trực Tuyến)