Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông diễn ra chiều 15/7, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe và đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo.
Đề xuất này nhận được sự quan tâm của người dân, nhiều tài xế bày tỏ ủng hộ song cũng có ý kiến chưa đồng tình.
Ông Nguyễn Khắc Vinh, lái xe chuyên nghiệp có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề cho rằng, việc đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo là việc nên làm.
“Từ thực tế, tôi thấy nhiều tài xế không nắm được các kỹ năng cơ bản khi điều khiển ô tô trên cao tốc. Ví dụ như nhiều tài xế đi xe không giữ khoảng cách, họ nghĩ việc lái xe trong phố với lái xe trên đường cao tốc là như nhau, điều này vô cùng nguy hiểm”, ông Vinh chia sẻ.
Tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, lấy câu chuyện thi bằng lái xe của mình để cho thấy sự cần thiết của việc đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo.
“Tôi thi bằng lái ô tô năm 2007, lúc đó tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều đường cao tốc như hiện nay. Mỗi lần lái xe lên đường cao tốc tôi cảm thấy rất hồi hộp, do trong quá trình học không có nhiều thời gian lái xe thực tế, càng không có điều kiện đi lên đường cao tốc”, Tiến sĩ Phan Lê Bình nói.
Ông Bình nhấn mạnh, lái xe trên đường cao tốc rất nguy hiểm, khi xảy ra tai nạn thì vô cùng thảm khốc.
“Ngay trong thời điểm hiện tại, nếu chúng ta chưa có điều kiện đưa học viên lên cao tốc để thực hành thì có thể tính đến phương án học trên các cabin mô phỏng, điều này cũng giúp các học viên có thêm kỹ năng lái xe an toàn”, vị chuyên gia giao thông chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Huân, người có nhiều năm đào tạo lái xe cho biết, dạy lái xe trên cao tốc là cần thiết nhưng thực hành nội dung này rất khó khăn.
“Nếu thêm nội dung này vào chương trình đào tạo, mỗi trung tâm dạy lái xe sẽ phải có 1 đoạn đường cao tốc riêng, theo tính toán sẽ phải xây dựng đoạn cao tốc dài 10km mới đủ tiêu chuẩn đào tạo. Có lẽ không trung tâm nào đủ kinh phí để xây dựng nơi thực hành như vậy”, ông Huân nói.
"Nếu đưa học viên trực tiếp lên cao tốc để thực hành thì là điều không thể vì tốc độ lưu thông trên cao tốc tối thiểu là 60km/h, tối đa là 120km/h, trong quá trình học nếu xảy ra sự cố cả học viên và thầy giáo sẽ không thể xử lý kịp", ông Huân đặt ra giả thiết.
Ông Huân cũng cho rằng, nội dung lái xe trên đường cao tốc nên đưa vào chương trình đào tạo sau khi học viên đã có Giấy phép lái xe. Việc đào này sẽ giúp học viên trau dồi thêm kỹ năng lái xe, làm chủ phương tiện của mình khi đi trên cao tốc.
Theo Đình Hiếu (VietNamNet)