Hoa và những giọt nước mắt lăn dài tiễn đưa ông Sáu Khải

22/03/2018 14:07:00

Video: Người Sài Gòn ra đường tiễn đưa ông Sáu Khải

Không gian yên lặng, chỉ có tiếng nhạc Hồn tử sĩ, hoa và những giọt nước mắt lăn dài trong ngày đưa ông Sáu Khải về với đất mẹ Củ Chi.

Từ quốc lộ 22, rẽ vào đường Lê Minh Nhựt (xã Tân Thông Hội, Củ Chi), dễ dàng nhìn thấy hàng trăm bàn thờ, với mâm ngũ quả, bát hương, cùng di ảnh nguyên Thủ Tướng Phan Văn Khải được người dân trân trọng đặt trước cửa nhà.

Trong không khí trầm buồn, những câu chuyện về ông Sáu Khải được người dân Củ Chi kể lại.


Người dân Tân Thông Hội đón linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải 

Những đứa trẻ được đến trường nhờ ông Sáu

“Cả 2 con tôi đều được ông cho tiền đi học”, lau giọt nước mắt, bà Tư Điềm (58 tuổi, người dân xã Tân Thông Hội) lặng lẽ kể.

Hoa và những giọt nước mắt lăn dài tiễn đưa ông Sáu Khải
Bà Tư Điềm rơi nước mắt khi nói về người có ơn với gia đình mình - ông Sáu Khải. Ảnh: Ngân Giang.

Ngày đó, nhà nghèo, chồng bỏ đi để lại cho bà 2 đứa con sinh đôi đang tuổi ăn tuổi lớn. Dù học giỏi và đều đỗ đại học, nhưng hai cô gái xác định nghỉ ở nhà để đi làm phụ mẹ.

“Ông Sáu gọi tôi tới, hỏi tình hình tài chính ra sao, các con học lực thế nào, rồi nói sẽ giúp hai đứa tiền ăn học. Vậy là năm đó, đứa lớn học Đại học Công nghiệp TP.HCM, đứa nhỏ học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Chúng nó được ông Sáu hỗ trợ hết 2 năm đầu, thêm tiền học bổng, rồi tự đi làm, bây giờ có sự nghiệp, lập gia đình cả rồi”.

Trong lời kể tự hào về hai con trưởng thành, có công việc ổn định, người bà đã có 3 cháu nhắc đi nhắc lại cái ơn của nguyên Thủ tướng với gia đình. Như lời kể, ông Sáu biết rõ con bà học trường nào, khoa gì, ra trường đi làm ở đâu.

“Nhiều đứa trẻ vùng này được ông cho tiền đi học. Anh bảo chỉ có con cháu học giỏi, cha mẹ mới được nhờ. Những đứa trẻ đi học về, trở lại Củ Chi, sẽ giúp thay đổi cuộc sống nơi đây. Giúp là vậy, nhưng đố ai tặng được ông cái gì. Nếu có ít hoa quả, con cá ngon, con gà nhà nuôi,… mang đến biếu thì được”.

Từ ngày ông Sáu qua đời, bà Tư Điềm lập bàn thờ tại gia. Sáng nay, 6h sáng, bà dậy sớm, thắp hương, rồi chờ linh cữu của nguyên Thủ tướng về. Hai đứa con bà cũng cùng chồng, con từ Sài Gòn về đây đón linh cữu ông.

Ông Sáu cứ lặng lẽ làm cho dân

Đứng lẫn trong dòng người tới viếng nguyên Thủ Tướng là ông Trần Tiến Minh (63 tuổi). Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, nước mắt người cựu chiến binh lăn dài trên má.

“Con trai tôi năm đó đi làm xa nhà. Sau mấy năm trở về, nó mang về toàn thói hư tật xấu. Vừa rượu chè, lại bài bạc. Gia đình không ai nói được, nhưng ông Sáu nói nó lại nghe”.

Theo lời kể, Trần Quang Huy, con trai ông Minh đã mấy lần bị công an xã nhắc nhở vì gây mất trật tự. Một hôm, nguyên Thủ tướng gọi anh ra đình xã, nói một câu: Ba nuôi cậu lớn đến từng này, còn định làm khổ ông đến bao giờ nữa?.

Hoa và những giọt nước mắt lăn dài tiễn đưa ông Sáu Khải - 1
Bà Lê Thị Nẫm (ngụ xã Trung Lập Thượng) đứng trong dòng người vào viếng ông Sáu Khải. Ảnh: Lê Quân.

Sau dạo ấy, con ông xin đi làm bảo vệ ở công ty gần nhà. Thỉnh thoảng, sáng sớm, anh Huy đưa ba ra đình uống cà phê với ông Sáu, đều ngồi lại nói chuyện với nguyên Thủ tướng mấy câu.

“Ông Sáu không nói nhiều, ít văn hoa, toàn nói thẳng, nói thật. Lúc cần, ổng sẵn sàng mắng chửi luôn, không hoa mỹ rào đón. Ngày đó, ổng còn mắng tôi chiều chuộng con, không biết đường uốn nắn dạy dỗ. Ổng bảo con cái mà hư, lỗi của ba mẹ phần nhiều. Nghe mà thấm lắm”.

Ông Minh lặng lẽ nói thêm, dân vùng này mang ơn nguyên Thủ tướng nhiều. Từ những việc nhỏ như con đi làm, cháu đi học, cho tới xây đình làng, trường học,… cũng đều là ông Sáu. Nguyên Thủ tướng trong trí nhớ của ông không phân biệt sang giàu, đối đãi với bà con làng xóm đều bằng tấm lòng của người lãnh đạo yêu nước, thương dân.

“Ổng cứ lặng lẽ làm cho dân. Thiếu gì thì vận động doanh nghiệp, nhà tài trợ. Ai kêu ghi tên công đức thì ổng gạt đi, bảo mình cũng là con dân Củ Chi, có chi mà phân biệt. Có một hôm, ngồi ở đình làng, ổng bảo: Hồi làm Thủ tướng chỉ để ý các việc lớn, trong khi đời sống nhân dân lại chưa sâu sát được nhiều, còn có lỗi với bà con”.

Sáng nay, ông Minh dậy sớm, thay bộ quân phục cũ mà bao lâu nay ông không mặc, đeo chiếc băng tang, bày bàn thờ ông Sáu ra trước cửa, rồi cùng con cháu chờ linh cữu nguyên Thủ tướng được đưa về.

Lặng lẽ chờ ông Sáu trong cái nắng 38 độ

Củ Chi hôm nay được dự báo nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ khoảng 38 độ C, thế nhưng những người như bà Tư Điềm, ông Minh, cùng hàng nghìn người dân vẫn kiên nhẫn đứng chờ đón vị Thủ tướng mà họ hết lòng kính yêu trở về quê nhà.

Đoạn đường khoảng 1 km từ đường lớn vào tư gia nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đông nghịt người. Theo kế hoạch của Ban tổ chức tang lễ, khoảng 10h30, linh cữu ông mới được di quan về tới quê nhà, lễ an tang diễn ra vào 11h cùng ngày. Thế nhưng từ sáng sớm, người dân nơi đây đã thay trang phục, đeo băng tang, ra đường đứng chờ đón ông Sáu về.

Hoa và những giọt nước mắt lăn dài tiễn đưa ông Sáu Khải - 2
Nhiều người dân Củ Chi chuẩn bị sẵn di ảnh của nguyên Thủ Tướng khi tới viếng ông. Ảnh: Lê Quân.

Người già, trẻ nhỏ, thanh niên xã Tân Thông Hội và người dân nhiều vùng khác cùng đổ về đây. Ai cũng chọn những bộ quần áo đẹp nhất. Các cựu chiến binh trong bộ đồ lính, đeo kín huân huy chương trên ngực. Các bà, các cô mặc áo dài đen, tóc vấn cao, tay đeo băng tang. Các nữ sinh mặc áo dài trắng, tay cầm túi hoa cúc được chuẩn bị sẵn để rải theo linh cữu nguyên Thủ tướng. Các em học sinh mặc nguyên đông phục, lưng mang cặp sách, được thầy cô hướng dẫn xếp hàng nghiêm trang.

Sau lễ hạ huyệt, từng dòng người lần lượt xếp hàng vào chào vĩnh biệt nguyên Thủ tướng. Dù nắng nóng, hàng nghìn người dân vẫn đứng yên lặng, trang nghiêm. Đường vào đình, nơi vợ chồng ông Sáu nằm được ban tổ chức sắp xếp lều bạt che nắng. Nước, khăn lạnh liên tục được người dân chuyền tay nhau. Không gian yên lặng, chỉ có tiếng nhạc Hồn tử sĩ và những giọt nước mắt lăn dài trong ngày đưa ông Sáu về với đất mẹ Củ Chi.

Theo Ngân Giang (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật