“Hoa hồng” và tội ác

26/08/2017 08:22:00

Liên quan đến vụ án buôn thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty VN Pharma, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TPHCM) đã thốt lên: Đó là sự nhẫn tâm khi nói về “hoa hồng” chi cho bác sĩ.

Liên quan đến vụ án buôn thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty VN Pharma, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TPHCM) đã thốt lên: Đó là sự nhẫn tâm khi nói về “hoa hồng” chi cho bác sĩ.

Nguyen Tong giam doc VN Pharma linh 12 nam tu hinh anh 1

Theo luật sư Chánh, khi biết mình mắc phải căn bệnh ung thư thì bệnh nhân hiểu rằng họ đang đối diện với “án tử”. Họ đặt trọn niềm tin vào đội ngũ y bác sĩ, luôn coi bác sĩ như vị cứu tinh với hy vọng là mình sẽ được cứu chữa hoặc ít ra cũng kéo dài thêm sự sống cho bản thân mình.

Đáp lại niềm tin đó, đội ngũ y bác sĩ cũng hết lòng vì bệnh nhân mà tận lực, tận tâm cứu chữa với mong muốn có kết quả tốt nhất cho bệnh nhân. Nhưng đâu đó vẫn còn một số y bác sĩ sử dụng bệnh viện như là một phương tiện để kiếm tiền... Họ kiếm tiền thông qua tiền “hoa hồng” mà một số công ty dược chi, bất chấp sản phẩm do những công ty này cung cấp là thật hay giả? Bệnh nhân dùng thuốc này có khỏi bệnh hay không? Họ bất chấp tính mạng, sức khỏe của người bệnh cũng như hy vọng của người thân, gia đình bệnh nhân. Đó là sự nhẫn tâm!

Hành vi này phải bị xử lý theo quy định pháp luật, chứ không chỉ dừng lại ở việc lên án về đạo đức. Vì vậy, rất mong cơ quan điều tra vào cuộc để xác minh, làm rõ việc chi “hoa hồng” như lời khai tại tòa của bị cáo Lê Thị Vũ Phương (nguyên kế toán trưởng VN Pharma). Nếu đúng là “Muốn bán được thuốc ở bệnh viện thì phải chi “hoa hồng” cho các bác sĩ” thì phải xử lý nghiêm hành vi này. Để loại bỏ những kẻ trục lợi bất nhân trên sự đau đớn trên thân thể của bệnh nhân cũng như gánh nặng kinh tế hàng ngày của những người không may mắc phải bệnh tật.

Trong vụ án xảy ra ở VN Pharma còn cho thấy sự quản lý “lỏng lẻo”, đó là chưa nói có thể đã có sự tiếp tay của cơ quan quản lý nhà nước.

Nếu chỉ dừng lại ở việc xử lý kỷ luật mà không truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi “thiếu trách nhiệm” của những cá nhân sai phạm mà Hội đồng xét xử TAND TPHCM kiến nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ gồm: ông Nguyễn Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục quản lý dược (tổ trưởng Tổ Thẩm định), ông Phan Công Chiến - Trưởng phòng quản lý kinh doanh dược và bà Lê Thúy Hương- Chuyên viên Phòng quản lý kinh doanh dược,  thì quá “nương tay” và tất nhiên dư luận không thể đồng tình.

Không ai mong muốn một cá nhân hay cán bộ, công chức nào bị vướng vào vòng lao lý. Nhưng một khi đã vi phạm pháp luật thì họ phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Vì việc làm của họ của thể gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bệnh nếu phải sử dụng loại thuốc kém chất lượng. 

Luật sư Nguyễn Đức Chánh 

Theo Tiền Phong

Nổi bật