Video: Bác sĩ Nguyễn Hồng Phong xin lỗi vì có phát ngôn gây hiểu nhầm
Năm nay đã 91 tuổi, ngót nghét hơn 50 năm gắn bó với ngôi chùa này, nhưng trụ trì chùa Tiêu, ni trưởng Thích Đàm Chính không cho phép một hòm công đức nào được đặt trong khuôn viên nhà chùa.
Đối với sư cụ, tiền bạc của nhân gian là những thứ ô uế, mà đã ô uế thì không thể được mang đến nơi cửa phật, chứ đừng nói để lên ban thờ, cho vào hòm rồi thu lại.
'Không phải cứ xây chùa to Phật mới giáng'
Trò chuyện với Zing.vn, sư cụ chia sẻ mình cảm thấy buồn, hay đúng hơn là hổ thẹn, hổ thẹn với giới phật pháp, hổ thẹn với các tăng ni, phật tử cả nước bởi những điều chùa Ba Vàng, hay nhiều chùa khác vì chạy theo hư vinh mà làm.
"Chuyện nhân quả, báo ân, báo oán là có trong đạo lý nhà Phật. Ngay trong sân chùa, cũng có nhiều tranh, sách về quy luật nhân quả để hướng người ta đến làm việc thiện, tốt đời đẹp đạo. Nhưng chả kinh sách nào nói nhân gian phải nộp tiền cho chùa để tránh quả báo, tai ương", sư cụ Đàm Chính nói.
Sư cụ Đàm Chính nói buồn vì những việc chùa Ba Vàng làm đã ảnh hưởng đến đạo phật cả nước: "Đấy là những việc ngoại đạo, đạo Phật không dạy như thế".
Ngoài ra, trụ trì Đàm Chính cũng cho rằng không chỉ việc thỉnh vong báo oán là hoạt động trái với giáo lý Phật mà còn cả dâng sao giải hạn. Nhà chùa to, đẹp, hoành tráng mà luôn tìm cách thu tiền, lợi dụng phật để tuyên giảng những thứ mê tín nhằm trục lợi là nơi ái tài thế gian, chạy theo hư vinh.
"Không phải cứ làm chùa to phật mới giáng. Nhà chùa phải là nơi để người dân sám hối, bỏ đi cái xấu, cái tham lam, tu được cái tâm cho sáng. Tôi thấy thật buồn khi các nhà chùa tổ chức thỉnh vong, dâng sao để thu tiền. Họ đang làm xấu hổ giới phật pháp", sư cụ nói.
'Tại sao lại ngạc nhiên vì không có hòm công đức?'
Trụ trì Đàm Chính kể bà lần đầu đến với chùa năm 1967, khi đó, chùa rất đơn sơ, hay nói đúng hơn là tuềnh toàng.
"Lúc tôi mới về đây, một nén hương cũng không có mà thắp, xin được một trăm hương, nhưng cũng phải rất tiết kiệm. Thời đó, đi tu rất đói khổ, cơm cũng không có mà ăn. Sư sãi cũng phải đi cấy, phải đi trú bom", bà chia sẻ.
Trước nhiều câu hỏi về việc vì sao không có hòm công đức, sư cụ bật cười: "Tại sao lại ngạc nhiên vì không có hòm công đức? Tôi ở đây đã 51 năm, chưa bao giờ thấy hòm công đức. Nhiều người dân vào chùa không biết, cứ đặt tiền lên ban thờ, rồi nhét vào đĩa hoa quả, bánh trên ban. Tiền là thứ ô uế, qua hết tay người này đến người khác mà họ lại đặt trên ban thờ. Như thế là không được".
Theo trụ trì, hàng chục năm qua, từng có những người ngỏ ý muốn công đức cả trăm triệu đồng để xây, sửa chùa, nhưng nhà chùa quyết không nhận. Cụ cho biết chỉ nhận công đức khi cần tu sửa và nhận vừa đủ số tiền, không nhận thừa.
Ngoài 90, dù đi lại đã bắt đầu khó khăn, nhưng giọng nói trụ trì Thích Đàm Chính vẫn sang sảng. Mỗi chiều cụ đều ngồi trong sân chùa, nói chuyện, đàm đạo với khách, với phật tử đến thăm. Mọi người ngồi quây quần xung quanh để nghe những điều trong kinh phật, để hưởng bầu không khí thanh tịnh, nhẹ nhàng ở đây.
"Sáng nào tôi cũng dậy từ 3h sáng để tụng kinh, giờ lại thêm khó ngủ có khi còn dậy từ 2h. Chỉ vài thầy trò nương tựa vào nhau, nhưng thế là đủ. Người dân xung quanh cũng thường hay đến giúp chùa quét dọn, nên nhà chùa cũng đỡ được nhiều công việc", sư cụ Đàm Chính cười nói.
Ngày rằm, mùng một, hay dịp lễ tết là lúc khách đến lễ chùa đông. Dù không nhận công đức, nhưng ai cũng có quà mang về là những phần bánh đúc nhà chùa gửi cho với mong muốn du khách gặp nhiều may mắn, năm mới đủ đầy.
Chùa Thiên Tâm (hay còn gọi là chùa Tiêu) nằm trên lưng chừng núi Tiêu, xã Tương Giang, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ðây là nơi thiền sư Lý Vạn Hạnh - người đã có công nuôi dạy Lý Công Uẩn (vị vua đầu tiên của triều Lý) trụ trì và viên tịch. Chùa Tiêu cũng được biết đến là chốn tu thiền huyền bí của người xưa và là một trung tâm Phật giáo cổ xưa của Việt Nam.
Trụ trì chùa Tiêu Thích Đàm Chính (91 tuổi), người ở xã Tương Giang, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đã gắn bó với chùa hơn 50 năm.
Theo Sơn Hà (Tri Thức Trực Tuyến)