Cuối tháng 12/2017, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND Hà Nội thu hồi các quyết định cho thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở 2 dự án cống hóa mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô đã cấp cho doanh nghiệp.
Đồng thời, Phó thủ tướng chỉ đạo xử lý đối với đất sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng không phép, sai phép và giải quyết các vấn đề phát sinh, liên quan theo đúng quy định của pháp luật. UBND Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện các ý kiến chỉ đạo trên trước ngày 1/4/2018.
Đất công bị xẻ thịt để kinh doanh
Lật lại hồ sơ, vi phạm ở 2 dự án này của UBND Hà Nội và doanh nghiệp đã kéo dài suốt 10 năm qua. Năm 2007, Hà Nội có chủ trương cống hóa một số mương thoát nước gây ô nhiễm môi trường, bức xúc dân sinh trên địa bàn, để phục vụ mục đích công cộng.
Tại mương thoát nước Phan Kế Bính, chủ đầu tư được chọn thực hiện dự án là Công ty Cổ phần Đa quốc gia. Ngày 24/6/2008 do UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư. Hơn nửa năm sau, Hà Nội đã có văn bản số 198 cho Công ty Đa quốc gia thuê đất, với diện tích hơn 6.000 m2 ở dự án cống hóa mương Phan Kế Bính.
Tiếp đó, đến ngày 24/2/2009, TP Hà Nội trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Đa quốc gia với diện tích trên, thời hạn sử dụng 20 năm. Theo giấy chứng nhận đầu tư, Công ty Đa quốc gia phải sử dụng hơn 4.800 m2 làm bãi đỗ xe, giao thông nội bộ và trồng cây xanh; phần còn lại 1.200 m2 (quỹ đất 20% này, Phó thủ tướng kết luận không có cơ sở pháp luật, gây thất thoát nguồn lực của Nhà nước) được phép xây dựng khu kinh doanh dịch vụ và phụ trợ.
Tuy nhiên, sau khi cống hóa mương Phan Kế Bính, Công ty Đa quốc gia đã ký hợp đồng cho thuê đất với hàng loạt đơn vị khác. Trong đó, có nhiều diện tích sử dụng sai mục đích so với quyết định phê duyệt.
Theo ghi nhận, dự án cống hóa mương Phan Kế Bính, cách UBND quận Ba Đình (Hà Nội) khoảng 100 m. Phần lớn diện tích của dự án được sử dụng làm nhà hàng hải sản (xây dựng kiên cố 2 tầng), trường mẫu giáo, trụ sở Công ty Đa quốc gia cửa hàng, quán cà phê...
Chỉ khoảng 1/10 diện tích cống hóa mương (hơn 500 m2) được sử dụng để làm bãi trông giữ xe nhưng không có phép.
Đất công được cho thuê đi thuê lại
Tương tự, dự án cống hóa mương Nghĩa Đô (ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) để xây dựng bãi đỗ xe được UBND Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư số vào ngày 31/5/2007 cho Công ty Cổ phần Đầu tư, xây lắp, Thương mại và Dịch vụ. Quy mô đầu tư khoảng 185 ôtô và 500 xe máy và các dịch vụ phụ trợ.
Gần 2 tháng sau, UBND Hà Nội có quyết định thu hồi hơn 14.000 m2 đất để giao cho chủ đầu tư thuê để cống hóa mương Nghĩa Đô kết hợp làm bãi đỗ xe và công trình dịch vụ phụ trợ. Tiếp đó, ngày 28/9/2007, UBND quận Cầu Giấy cấp giấy phép xây dựng số 862/GPXD cho chủ đầu tư xây dựng dự án trên.
Điều đáng nói sau khi thực hiện xong dự án cống hóa, vào tháng 9/2011, chủ đầu tư cũng đã tiến hành ký kết hợp đồng số 09/2011/HDD-HĐCN với Công ty Cổ phần Đầu tư An Lộc.
Nội dung trong hợp đồng nêu rõ: "Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp Thương mại và Dịch vụ là chủ đầu tư dự án cống hóa mương Nghĩa Đô xây dựng bãi đỗ xe chuyển toàn bộ tài sản (gồm vốn góp, tài sản, các quyền và nghĩa vụ, quyền lợi) của mình trong dự án cho Công ty Cổ phần Đầu tư An Lộc tiếp tục thực hiện khai thác kinh doanh dự án".
Ngay sau đó, Công ty Cổ phần Đầu tư An Lộc đã tiếp tục ký tới 30 hợp đồng cho các tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng các công trình của dự án. 30 tổ chức, cá nhân này đã sử dụng đất với nhiều mục đích khác nhau.
Thay vì làm bãi gửi xe và công trình phụ trợ, 14.000 m2 đất công đã bị "xẻ thịt" làm nhà hàng, quán ăn. Trong khi đó, dự án này chỉ cách UBND quận Cầu Giấy khoảng 500 m.
Từ năm 2012, chính quyền quận Cầu Giấy, phường Quan Hoa cho biết đã nhiều lần xử lý các vi phạm trên. Tuy nhiên trên thực tế, việc xử lý của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, triệt để.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy các ô đất được chia theo giấy chứng nhận đầu tư đều sử dụng sai mục đích như: Ô đất số 1 với diện tích hơn 3.700 m2 (cấp phép để xây dựng nhà để xe và dịch vụ phụ trợ quy mô 2 tầng và sân đỗ xe ngoài trời) được sử dụng làm gara ôtô, xe máy của hãng Honda, Yamaha, chợ cóc... Tại ô đất số 2, diện tích hơn 2.320 m2 là nơi kinh doanh nhà hàng cà phê, salon làm đẹp, cửa hàng KFC, quán bia Vuvuzela...
Nhiều năm qua, lãnh đạo Chính phủ và TP Hà Nội đã chỉ đạo xử lý những vi phạm tại 2 dự án này nhưng hiện trạng chưa có biển chuyển, dù Hà Nội đang thiếu bãi đỗ xe trầm trọng.
Theo Thắng Quang (Tri Thức Trực Tuyến)