Chiều 13/4, trao đổi với PV, thầy Lê Trọng Tín - Hiệu trưởng trưởng THCS và THPT Nguyễn Khuyến cho biết, một số thông tin nói rằng nhà trường chạy theo thành tích, trường như trại lính khiến học sinh "cực khổ vô cùng" là không đúng.
Theo ông, khi nhận học sinh, nhà trường luôn cố gắng tạo môi trường học tập tích cực, nâng cao lực học của các em.
"Chúng tôi phải cố gắng để không phụ lòng phụ huynh. Nguyện vọng của họ gửi con vào trường để con tốt hơn. Họ đã tin tưởng, nhà trường phải làm cho kỳ được. Chúng tôi không dám nghĩ đến thành tích.
Bao năm nay, nhà trường không có bằng khen nào. Nói thời khóa biểu học tập dày đặc, "kỷ luật sắt" là không có. Nhà trường luôn làm đúng, thực hiện đúng theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP HCM", thầy Tín chia sẻ.
Thầy Tín cho rằng, kiến thức sách giáo khoa là chưa đủ đối với học sinh nên các giáo viên cho các em tiếp cận nhiều dạng bài tập, khi thi cử sẽ dễ dàng xử lý. Muốn đạt kết quả tốt thì phải rèn luyện. Việc kỷ luật giúp học sinh tiến bộ hơn.
Khi được hỏi có chuyện "học sinh đến muộn bị phạt đứng chép bài ở hành lang, bị đổi chỗ ngồi và chuyển lớp", vị hiệu trưởng phủ nhận chuyện này.
"Một học sinh đi học muộn nhiều lần, nhà trường phải phạt hoặc nhắc nhở để các em khắc phục. Còn việc chuyển lớp, xuất phát từ những kỳ thi đánh giá năng lực.
Học sinh có học lực tốt, có cố gắng nhưng theo học ở lớp không phù hợp với năng lực thì cho em đó chuyển lên lớp chất lượng hơn.
Ngược lại, một học sinh ở lớp chất lượng tốt, nhưng lực học giảm sút sẽ điều chuyển xuống lớp khác để có chương trình phù hợp.
Những học sinh thuộc dạng "đặc biệt", nhà trường chưa sát sao, chưa làm tròn bổn phận, để xảy ra những sự việc đáng tiếc", thầy Tín nói.
Trong 11 năm làm hiệu trưởng, thầy Tín cho biết không có hiện tượng học sinh kêu ca về vấn đề áp lực học tập. Tuy nhiên, thời gian tới, nhà trường sẽ thay đổi phương pháp dạy, học và những quy định của nhà trường.
"Nhà trường thay đổi chương trình học liên tục, chứ không phải có chuyện xảy ra mới thay đổi. Tuy nhiên, khi có hiện tượng thì vấn đề thay đổi mau lẹ hơn, thay đổi để phù hợp với xã hội, phù hợp với xu thế chung của ngành giáo dục", thầy Tín khẳng định.
Theo thầy, nhà trường còn thường xuyên tổ chức những buổi dã ngoại, văn nghệ, thể dục, thể thao. Ngoài việc học, nhà trường tổ chức các sân chơi kỹ năng như sân chơi văn học, robot, tiếng Anh.
Theo Viết Dũng (Soha/Trí Thức Trẻ)