19 câu hỏi như "hỏi cung" xâm hại đến tâm lý của học sinh
Hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) đã yêu cầu 23 học sinh lớp 6.2 trả lời phiếu điều tra sau vụ giáo viên Nguyễn Thị Phương Thủy bắt phạt tát 231 cái vào mặt bạn.
Trao đổi với PV sáng 4/12, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ông đã đọc kỹ 19 câu hỏi được cô Hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh đưa ra trong phiếu điều tra bắt học sinh phải trả lời và thấy đây là việc làm không nên, sai trái, phản sư phạm.
"Sự việc cô giáo phạt tát học sinh 231 cái đã rất rõ ràng, dư luận lên án, công an cũng khởi tố vụ án rồi nhưng tôi không thể hiểu Hiệu trưởng lại chỉ đạo điều tra học sinh như vậy nhằm mục đích gì, với suy nghĩ thế nào?.
Cách đưa ra 19 câu hỏi rồi bắt học sinh trả lời như "hỏi cung" không ai có thể đồng tình và chắc chắn mọi người sẽ càng buồn, phẫn nộ hơn khi trong ngành sư phạm lại có hiện trường thế này", GS Hạc nói.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD - ĐT nêu rõ, với học sinh lớp 6 phải trả lời 19 câu hỏi như vậy quá nặng nề, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các em.
"Đọc nhiều câu hỏi chính tôi cũng không thể hiểu nổi họ đặt nội dung như tát mạnh, nhẹ, bao nhiêu cái hay có, không tát... nhằm mục đích gì.
Lẽ ra những việc đau lòng, vết hằn như thế này phải để cho các em học sinh trong lớp quên đi chứ không phải gây lại, khiến cho tâm lý của các em chịu ảnh hưởng nặng nề.
Bản thân tôi thấy rằng, những người làm ra các câu hỏi này thể hiện sự ngớ ngấn và rõ ràng nếu người ngoài ngành nhìn vào sẽ đánh giá đây là tra khảo, xâm hại tâm lý học sinh chứ không phải nhằm mục đích tìm ra sự thật vụ 231 cái tát", GS Hạc nhấn mạnh.
Vị GS có hơn 30 năm công tác trong ngành sư phạm đánh giá, với cách làm của hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh cho thấy, những gì cô này được học trong trường sư phạm trước đây về bộ môn tâm lý, giáo dục sư phạm đã không hề được vận dụng khi giải quyết sự việc xảy ra.
"Người ta đã lệch lạc ghê gớm"
PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội nhân văn Hà Nội cho rằng, khi xem bảng hỏi do trường nêu và báo cáo của trường gửi cấp trên qua báo chí, bản thân ông không muốn tin vào điều "có thật cay đắng này".
"Hai văn bản ấy không chỉ thể hiện sự kém cỏi của người quản lý mà nó chứng tỏ người ta đã lệch lạc ghê gớm.
Bắt trẻ em trả lời như vậy thể hiện người ta đã nghĩ sẵn và nghĩ kỹ cách làm thế nào để chứng minh chuyện ấy không có gì nghiêm trọng, chỉ là sai sót của cá nhân chứ không phải để sửa chữa lỗi lầm.
Họ là những khuyết tật của một thứ văn hoá sai lầm, thứ văn hoá không vì con người, không tôn trọng con người", PGS Long chia sẻ.
Ông bày tỏ, "trẻ em như búp trên cành", trẻ em là tương lai của chúng ta nhưng khi bị giáo dục như thế, sẽ thành người lớn theo kiểu nào?.
"Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy", nỗi lo là vì vậy. Điều đáng lo không chỉ ở cái tát mà đáng lo hơn nhiều là những người liên quan ứng xử như thế nào, các vị hoạch định chính sách vì con người nghĩ và hành động thế nào về vấn đề này?
Những gì nói ra rất hay, nhưng trong tổ chức thực hiện lại không được như thế. Các cụ dạy rồi "không biết lo cái lo xa sẽ phải đối mặt với cái khó gần" không còn là chuyện xa xôi mà là chuyện hàng ngày", ông nêu.
Bộ câu hỏi điều tra HS gồm 19 câu, cụ thể như sau:
1. Cô Thủy quy định phạt tát thời gian nào?
2. Bạn N. bị tát vào thời gian nào?
3. Khi tát bạn N., cô Thủy có mặt ở lớp không?
4. Em tát vào mặt bạn N. bao nhiêu cái?
5. Em tát vào bạn N. mạnh hay nhẹ?
6. Bạn N. có nói tục không?
7. Khi bị tát bạn N. có khóc không?
8. Sau khi bị tát má bạn N. có đỏ không?
9. Cô Thủy vào đã tát được mấy bạn?
10. Cô Thủy có bắt tát nhẹ phải tát mạnh không?
12. Cô Thủy tát bạn N. mấy cái?
13. Sau khi bị tát bạn N. có bị chảy máu không?
14. Sau khi tát bạn N., cả lớp có sợ hãi, bật khóc không?
15. Trước N. có bao nhiêu bạn bị tát?
16. Khi tát bạn N., cô Thủy ra lệnh hay tự ý?
17. Cô Thủy có phải là người cuối cùng tát bạn N. không?
18. Cô Thủy đứng cùng chiều hay ngược chiều bạn N.?
19. Sau khi tát bạn N. có ở lại học không?
Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)