Kết luận thanh tra số 01 ngày 18/6/2018 do ông Nguyễn Ngọc Sẫm, chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ ký.
Trường điểm dạy thêm sai quy định
Theo Thanh tra huyện Tứ Kỳ: Trường THCS Phan Bội Châu (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) là trường trọng điểm chất lượng cao duy nhất của huyện, do UBND huyện quản lý trực tiếp. Đây là đơn vị có bề dày thành tích, nhiều năm được UBND tỉnh tặng cờ, giấy khen.
Hàng năm, trường được giao bồi dưỡng 9 đội tuyển học sinh giỏi của huyện để dự thi cấp tỉnh; kết quả nhiều năm đạt giải cao. Hai năm gần đây, thành tích của nhà trường có phần sụt giảm.
Xuất phát từ đơn tố cáo của bà Phạm Thị Hợi (hiệu phó trường THCS Phan Bội Châu) về việc nhiều năm qua, hiệu trưởng nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm sai quy định của ngành giáo dục. Cụ thể: theo quy định của UBND tỉnh Hải Dương (QĐ số 20/2013/QĐ-UBND) về việc ban hành quy định về dạy thêm, học thêm chương trình phổ thông trên địa bàn tỉnh thì trường THCS chỉ được tổ chức dạy thêm học thêm không quá 3 buổi/tuần, mỗi buổi học thêm khoảng 3 tiết (mỗi tiết học 45 phút). Thế nhưng, Trường THCS Phan Bội Châu lại tổ chức dạy thêm theo ca (mỗi ca là 100 phút), nhưng lại thu tiền bằng một buổi.
Sự việc kéo dài trong các năm 2014 - 2015, 2015 - 2016, 2016 - 2017 mà không bị cơ quan quản lý giáo dục của tỉnh Hải Dương phát hiện. Để tránh bị phát hiện việc bố trí giảng dạy sai quy định này, hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu làm kế hoạch dạy thêm, học thêm trình lên cơ quan quản lý xin phép là dạy theo buổi, nhưng thực chất lại xếp lịch cho giáo viên trong trường dạy theo ca.
Đơn tố cáo cho biết: Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thu tiền dạy thêm theo ca vượt quy định mức thu tiền học thêm của tỉnh; không thực hiện chi trả tiền dạy thêm cho giáo viên đúng theo quy định; không công khai các khoản thu chi…
Từ đơn tố cáo của bà Hợi, ngày 5/1/2018, chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ ban hành QĐ thanh tra việc dạy thêm, học thêm; thanh tra việc quản lý thu, chi từ nguồn đóng góp của học sinh trong thời gian từ năm 2015 – 2017 tại trường THCS Phan Bội Châu.
Kết luận thanh tra cho thấy, năm học 2014 trường tổ chức 1.168 ca dạy thêm, tổng thu số tiền hơn 946 triệu đồng, trong đó số tiền chi sai danh mục được chi là hơn 394,6 triệu đồng. Mức thu bình quân 13.900 đồng/học sinh/ca, vượt theo quy định của tỉnh (12.000 đồng/học sinh/buổi học thêm. Số tiền thu vượt gần 400 triệu đồng.
Thời gian từ 26/1/2015 đến 5/5/2015 thực hiện 856 ca dạy thêm, tổng số tiền thu gần 518 triệu đồng; mức chi sai mục đichhs hơn 190 triệu đồng; thu vượt theo quy định của tỉnh số tiền hơn 167 triệu đồng với mức thu 13.470 đồng/học sinh/ca.
Trường tổ chức ôn hè năm 2015 cho 694 học sinh với 293 ca dạy. Việc dạy thêm hè không được cấp phép, số tiền thu được là 149,4 triệu đồng. Tổ chức ôn thi cho học sinh lớp 9 vào lớp 10 với 384 ca dạy thêm, thu 225,75 triệu đồng.
Tất cả việc chi và lưu lại cách ghi chi đều không có chứng từ. Trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Văn Khuê (hiệu trưởng) và ông Nguyễn Đức Huấn, hiệu phó.
Năm học 2015 – 2016 trường thực hiện dạy thêm 2.132 ca thu tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; thu vượt quy định của tỉnh gần 429 triệu; chi sai quy định hơn 572 triệu đồng.
Trường tổ chức ôn hè cho 700 học sinh với tổng số 384 ca dạy không được cấp phép, mức thu bình quân 10.288 đồng/học sinh/ca. Tổng số tiền thu 204,9 triệu đồng, việc chi và lưu lại theo cách ghi chi không có chứng từ.
Năm học 2016 – 2017 trường thực hiện 2.267 ca dạy thêm, tổng thu gần 1,18 tỷ đồng; thu vượt quy định của tỉnh hơn 120 triệu đồng.
Trường tổ chức ôn hè cho 720 học sinh với 288 ca không được cấp phép, thu số tiền hơn 155 triệu đồng. Việc chi và lưu lại theo cách ghi chi không có chứng từ.
Tổng thu vượt theo quy định qua các năm kể trên ở phần dạy thêm học thêm đại trà là hơn 1.11 tỷ đồng. Tổng thu sai theo quy định trong các năm học 2014 – 2015; 2015 – 2016; 2016 – 2017 là gần 1,124 tỷ đồng.
Thanh tra huyện Tứ Kỳ kiến nghị thu hồi số tiền hơn 1,123 tỷ đồng; làm rõ trách nhiệm của cá nhân để xảy ra những tiêu cực kể trên.
Người tố cáo sai phạm bị điều chuyển công tác
Người viết đơn tố cáo những sai phạm trong dạy thêm, học thêm của trường THCS Phan Bội Châu (huyện Tứ Kỳ) là bà Phạm Thị Hợi – phó hiệu trưởng nhà trường. Trong kết luận thanh tra, UBND huyện Tứ Kỳ nêu rõ: UBND huyện có hình thức xử lý luật đối với ông Nguyễn Đức Huấn về những sai phạm có liên quan.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Hợi thì hiện nay, ông Nguyễn Đức Huấn vẫn chưa bị xử lý kỷ luật, khoản chi sai quy định hơn 1,1 tỷ đồng vẫn chưa được thu hồi thì UBND huyện Tứ Kỳ lại điều chuyển bà đến công tác tại Trường THCS Quang Phục (thực hiện trước ngày 15/8/2018).
Việc điều chuyển này khiến bà Hợi cho rằng, liệu có phải do việc tố cáo sai phạm của hiệu trưởng nên bà mới bị điều động công tác?
“Tôi không biết tại sao khi sai phạm của ông Huấn vẫn chưa bị xử lý thì người tố cáo lại bị điều động đến trường khác?. Nếu cứ như vậy thì sau này còn ai dám đứng lên tố cáo sai phạm nữa?”- bà Hợi bức xúc cho biết.
Không đồng tình với việc điều động công tác trên, bà Phạm Thị Hợi đã có đơn gửi Huyện ủy và UBND huyện Tứ Kỳ đề nghị làm rõ, có hay không việc người tố cáo bị trù dập trong vụ việc này.
Trước đó, ngày 9/4/2018, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương cũng ban hành QĐ số 380 về việc thành lập Đoàn thanh tra đột xuất việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm (thời hạn thanh tra 30 ngày) tại các đơn vị Phòng GD-ĐT huyện Bình Giang; Thanh Hà; Gia Lộc; Tứ Kỳ.
Kết luận của thanh tra Sở Giáo dục cho thấy, nhiều nhà trường đã vi phạm quy định về số tiết/buổi học; số buổi/tuần từ đó số tiền thu vượt mức tối đa cho phép, vi phạm QĐ số 20 của UBND tỉnh Hải Dương về việc dạy thêm/học thêm chương trình phổ thông trên địa bàn.
Theo Thái Bình (VietNamNet)