Kết thúc xét tuyển đợt 1 ĐH năm 2017, có chưa đầy 70% thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học. Điều này có nghĩa nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ. Hiện tượng lạ trên có phải do chưa lọc được thí sinh ảo hay do thí sinh chọn phương án khác?
Trúng tuyển nhưng không nhập học
Ngày 8.8, PGS-TS Đỗ Văn Xê - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - đã chia sẻ trên facebook cá nhân: “Tổng kết số liệu cho thấy xuất hiện hiện tượng lạ quá “trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng không chịu học”. Chắc các thí sinh này muốn chuyển sang học nghề cho thực tế hơn? Ban giám hiệu nhà trường đang cân nhắc phương án xét tuyển đợt 2”.
Nhiều trường khác cũng trong hoàn cảnh tương tự, dự kiến ban đầu đã tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng sau ngày 7.8, không phải tất cả thí sinh trúng tuyển đều xác nhận nhập học.
ĐH Công nghiệp Hà Nội chỉ tiêu là 6.700 nhưng danh sách trúng tuyển lên tới 8.365 thí sinh, vượt chỉ tiêu 26%. Nhưng tỉ lệ thí sinh đến làm thủ tục nhập học so với danh sách thí sinh trúng tuyển đạt 78,47%, còn 21,53% thí sinh dù đỗ nhưng không học, hoặc cũng có thể sau những lần lọc ảo trên phần mềm của bộ, số thí sinh ảo vẫn cao.
Theo PGS-TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, khả năng này khó xảy ra. Ông đánh giá phần mềm lọc ảo của Bộ Giáo dục - Đào tạo rất tối ưu, giúp các trường dễ dàng hơn trong công tác xét tuyển.
“Năm nay, thí sinh thi THPT Quốc gia được đăng ký không giới hạn về số nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Phần mềm lọc ảo của bộ giúp các trường tránh nguy cơ “vỡ trận” khi thí sinh dồn vào ngày cuối cùng mới đăng ký xét tuyển.
Phần mềm lọc ảo hoạt động thông qua việc loại bỏ thí sinh đã trúng tuyển một trường ở nguyện vọng đầu trong xét tuyển ở các nguyện vọng sau. Ví dụ, thí sinh A vừa đăng ký xét tuyển vào Đại học Bách Khoa Hà Nội vừa đăng ký Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Xây dựng. Nếu thí sinh A ưu tiên nguyện vọng 1 ở Đại học Bách Khoa Hà Nội và đã trúng tuyển thì lập tức phần mềm loại 2 nguyện vọng còn lại, giúp các trường này lọc thí sinh ảo trong việc xét tuyển” - PGS-TS Trần Văn Tớp chia sẻ.
Về lý do thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, lãnh đạo một trường đại học cho rằng, có thể do thí sinh đó “trượt” ở nguyện vọng 1 và trúng tuyển ở những nguyện vọng 2 hoặc 3. Vì đỗ vào trường mình không thực sự yêu thích, nên đắn đo trong việc nên nhập học hay tiếp tục ôn thi để năm sau thi lại vào ngành mình mong muốn.
Theo quy định trong quy chế tuyển sinh năm nay, đến hết ngày 12.8, quá trình cập nhật thí sinh khẳng định nhập học sẽ kết thúc, những thí sinh không nộp hồ sơ nhập học về trường mình trúng tuyển sẽ bị coi như bỏ học, nếu không có lý do chính đáng.
Trường ĐH Công nghệ TPHCM thông báo xét tuyển 1.500 chỉ tiêu ở nguyện vọng bổ sung. |
Hàng ngàn chỉ tiêu “chờ” thí sinh
Kết thúc xét tuyển đợt 1 vẫn còn 152 trường đại học, cao đẳng sư phạm đang thiếu chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, 58 trường thiếu trên 50% chỉ tiêu, 30 trường thiếu trên 30% chỉ tiêu. Những trường thiếu chủ yếu là trường top giữa và top dưới.
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM tuyển gần 1.000 chỉ tiêu bổ sung ở tất cả các ngành. Ngành nhiều nhất lên tới 70 chỉ tiêu, ngành tuyển bổ sung ít nhất là 30 chỉ tiểu.
Trường ĐH Bách khoa TPHCM xét tuyển 60 chỉ tiêu ngành bảo dưỡng công nghiệp bậc CĐ bằng tổ hợp (A00, A01) đến hết ngày 9.8
Đại học Công nghệ TPHCM cũng tuyển bổ sung chỉ tiêu cho 3 ngành Thú y, An toàn thông tin và Kinh doanh quốc tế. Mức điểm nhận hồ sơ từ 15,5 điểm.
Đại học Nội vụ cũng vừa công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung từ 15,5 - 17 điểm.
Hàng loạt các trường đại học khác như Đại học Quốc tế Sài Gòn, Đại học Hòa Bình, Đại học Thành Tây, Đại học Lạc Hồng cũng công bố xét tuyển bổ sung với mức điểm nhận hồ sơ chỉ 15,5 điểm.
Theo quy định của Bộ GDĐT, sau ngày 7.8, nếu chưa đủ chỉ tiêu, các trường sẽ tiếp tục công bố xét tuyển bổ sung. Thời gian đăng ký xét tuyển bổ sung sẽ bắt đầu từ ngày 13.8 đến 17h ngày 15.8. Vì thế, cơ hội cho các thí sinh bị trượt đại học trong đợt xét tuyển đầu tiên sẽ vẫn còn tăng trong những ngày tới.
Theo Bích Hà (Lao Động)