Hậu trường Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Đổi xe, cắt đuôi báo chí như phim hành động

19/03/2019 09:46:43

"Để giữ bí mật, chúng tôi phải dùng một số biện pháp như đổi xe, cắt đuôi báo chí khi lên Đồng Đăng".

Vụ trưởng Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Cục trưởng Cục Lễ tân nhà nước Mai Phước Dũng chia sẻ với VietNamNet chuyện hậu trường Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội.

Cấp thị thực nhanh kỷ lục

Vụ trưởng Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: Chúng ta mong muốn tạo ấn tượng tốt đẹp ngay khi phóng viên tiếp cận với Việt Nam.

Có gần 2.700 phóng viên đăng ký tác nghiệp đến từ gần 40 quốc gia vùng lãnh thổ khác nhau. Công tác xét duyệt nhân sự và cấp thủ tục cho phóng viên rất phức tạp nhưng chúng ta hoàn thành chỉ trong 4-5 ngày.

Hậu trường Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Đổi xe, cắt đuôi báo chí như phim hành động
Vụ trưởng Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Phạm Hải

Ngày 17/2, chúng tôi triển khai website để phóng viên đăng ký trực tuyến.

Đến ngày 21/2, website tiếp nhận gần 2.800 đơn. Đoàn Mỹ có hơn 350 phóng viên của nhiều hãng, từ nhiều nước và chúng tôi giải quyết cho họ chỉ trong 2-3 ngày.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao làm việc từ sáng đến tối, không có ngày nghỉ. Tất cả phóng viên đều nhận được visa rất thuận lợi.

Chúng tôi cũng trao đổi với Cục Quản lý xuất nhập cảnh có kênh riêng cho phóng viên nước ngoài tại nơi nhập cảnh. Có trường hợp phải cấp visa cho phóng viên ngay tại cửa khẩu.

Yêu cầu ngặt nghèo cho ô tô bọc thép

Cục trưởng Cục Lễ tân nhà nước Mai Phước Dũng: Đây là lần thứ 2 chúng ta đón Tổng thống Donald Trump. Ngày 13/2, Mỹ đã cử các đoàn tiền trạm đầu tiên. Phía Mỹ chủ yếu yêu cầu về mặt an ninh, các thiết bị hậu cần mang vào.

Với đoàn Triều Tiên thì khác. Đây là lần đầu tiên sau 55 năm, ta đón Chủ tịch Triều Tiên và phái đoàn thăm chính thức hữu nghị Việt Nam.

Ngày 16/2, đoàn tiền trạm vào, chúng tôi biết được thực sự yêu cầu của đoàn, mới biết đoàn đến bằng tàu hỏa và thăm song phương.

Chúng ta bắt đầu triển khai từ ngày 16/2 liên tục đến 24/2 thì công tác chuẩn bị hoàn tất. Yêu cầu thứ hai là chuyện đoàn sẽ đến bằng tàu hỏa vào ga Đồng Đăng.

Ngày 16/2 làm việc thì ngày 17/2 phải đi khảo sát ga Đồng Đăng ngay với nhiều yêu cầu kỹ thuật.

Hậu trường Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Đổi xe, cắt đuôi báo chí như phim hành động - 1
Cục trưởng Cục Lễ tân nhà nước Mai Phước Dũng. Ảnh: Phạm Hải

Có hai yêu cầu khó nhất ở nhà ga là bục lên xuống cho ông Kim Jong-un và bục dẫn cho hai ô tô bọc thép theo đoàn tàu hỏa đi xuống.

Phải làm sao đảm bảo được về trọng tải, kỹ thuật, an toàn và thời gian xuống nhanh nhất. Chúng ta hoàn thành chỉ trong chưa đầy 1 tuần. Tiếp theo là chỉnh trang đường đi từ Đồng Đăng về Lạng Sơn trong điều kiện giữ bí mật thông tin.

Hai thông điệp từ IMC

Bà Lê Thị Thu Hằng: Chúng tôi quyết định chọn Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô vì một số lý do.

Thứ nhất là địa điểm tổ chức trung tâm báo chí quốc tế (IMC) làm sao phải đảm bảo đủ rộng cho 3.000 - 4.000 phóng viên hoạt động cùng một lúc và ở trong nhà.

Thứ hai, phải thuận tiện cho giao thông. Nhưng điều quan trọng nhất đó phải là nơi mà khi phóng viên bước ngay ra sân thôi thì có thể cảm nhận khung cảnh bên ngoài đặc trưng Hà Nội, là Việt Nam. Và các phóng viên đã rất hài lòng về sự lựa chọn này.

Hậu trường Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Đổi xe, cắt đuôi báo chí như phim hành động - 2
Trung tâm báo chí quốc tế cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 mở cửa 24/24h trong 4 ngày liên tục. Ảnh: Phạm Hải

Ý tưởng trang trí IMC đều thể hiện 2 thông điệp. Thứ nhất là đối tác vì hòa bình bền vững. Thứ 2 là Hà Nội thành phố vì hòa bình. Trong trang trí, sắp đặt IMC, chúng tôi cũng tận dụng, tranh thủ để quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, nhất là quảng bá TP Hà Nội.

Cuộc chiến thầm lặng

Ông Mai Phước Dũng: Cuộc chiến của chúng tôi rất thầm lặng, khẩn trương. Một là thông tin rất thiếu, thời gian rất ngắn để tìm hiểu. Hai là về vấn đề khách sạn, rồi tới địa điểm họp chung của hai nhà lãnh đạo.

Chúng ta giới thiệu cho các bạn một số địa điểm như Trung tâm hội nghị quốc gia, Nhà khách chính phủ, Nhà hát lớn Hà Nội, nhưng các đoàn vẫn tiếp tục làm việc. Chúng tôi không biết họ quyết định ở đâu.

Bài toán cho nước chủ nhà là đảm bảo an ninh, hậu cần và trang trí khu vực xung quanh.

Hậu trường Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Đổi xe, cắt đuôi báo chí như phim hành động - 3
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại ga Đồng Đăng. Ảnh: Đoàn Bổng

Việc thu xếp chương trình hoạt động cho đoàn cũng là thách thức. Chúng tôi phải nghĩ ra biện pháp đặc biệt triển khai để đảm bảo cho đúng nghi lễ trang trọng.

Đoàn Triều Tiên đề nghị tham quan các địa phương, cùng lúc chúng tôi phải triển khai 3-4 mặt trận trong thời gian gấp gáp.

Có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với báo chí, ngày 17/2, lên Đồng Đăng, chúng tôi phải dùng một số biện pháp cắt đuôi báo chí, đổi xe.

Ngày 25/2, 5h chiều chúng tôi lên kiểm tra ở Đồng Đăng thì thấy gần 300 phóng viên đứng trước cửa ga.

Lãnh đạo tỉnh và bà con đã dựng nhà tạm cho phóng viên, mang 300 áo mưa (hôm ấy trời mưa phùn, rất rét), bánh và nước. Tôi nghĩ đấy là kỷ niệm sẽ được phóng viên nhớ mãi.

Theo Thái An - Bạt Tuấn - Xuân Quý - Đức Yên  (VietNamNet)