Vé xe đi các tỉnh miền Trung, miền Tây đã bán hết từ mấy ngày trước, nhiều người lỡ tay xách, tay mang vật vờ ở các bến xe chờ vé vớt khi có ai bỏ vé... Rồi nạn chặt chém giá cả ở các địa điểm du lịch mới khủng khiếp!
Du lịch như hành xác...
Vợ chồng cô bạn láng giềng đều là người Hà Nội mới vào TP mấy năm nay. Họ cùng làm chung một công ty xuất nhập khẩu nông thủy sản gì đó. Cô vợ than công việc ở công ty dạo này căng thẳng quá mà anh chồng cứ đi tiếp khách bia bọt say xỉn hoài, bỏ hai đứa con nhỏ, đứa năm tuổi, đứa ba tuổi cho một tay vợ nên họ gây nhau mãi. Nhân dịp lễ được nghỉ bù, vợ chồng đưa hai đứa con đi Vũng Tàu chơi cho biết, cũng để vợ chồng giải tỏa chuyện hục hặc. Nghĩ là gần, chỉ hơn trăm cây số đi vài tiếng chứ bao nhiêu nhưng cả nhà họ vất vưởng mấy tiếng ở bến xe, rồi phải qua trung chuyển bên đường Mai Chí Thọ, quận 2, mãi xế chiều mới ra tới Vũng Tàu, không tìm ra phòng thuê.
Chị vợ gọi điện thoại than trời nắng như lửa đốt, anh chồng cho ba mẹ con ngồi quán chờ, anh bắt xe ôm đi tìm phòng thuê. Mất 200.000 đồng xe ôm mới tìm ra được cái phòng trọ xa tít, muốn ra biển phải đi mất cả trăm ngàn taxi! Chiều tối 29, bờ biển lúc nhúc người, quán xá tha hồ chặt chém. Cô bạn tả oán xong kêu lên: “Biết vậy mình ở nhà cho khỏe. Du lịch kiểu này không khác gì đi hành xác!”.
Tôi cũng định bụng về quê thăm ba má và nghĩ bụng biết là vất vả nhưng tranh thủ nghỉ lễ mới có thời gian về. Nhưng tôi bất ngờ khi về đến nhà đã thấy má tôi ở quê mới lên chơi, mang lỉnh kỉnh mấy đồ quê vào... Má tôi nói cố ý giữ kín để gây bất ngờ cho tôi. Má tôi bảo sợ tôi về quê dịp lễ chen chúc khổ sở. Vào tới Bến xe Miền Đông má mới thấy đúng, người đâu mà lắm thế, giống như họ bỏ TP chạy đi tỵ nạn không bằng, người đông kìn kịt. Còn xe chiều vào TP thì trống huơ trống hoác, “phẻ” lắm...
Dịp lễ, bến xe và sân bay kẹt cứng người. |
Chặt chém khi có dịp: Căn bệnh trầm kha
Những ngày này các địa điểm du lịch nổi tiếng như Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết... chật ních người với giá cả trên trời mọi lúc mọi nơi, nạn chặt chém không chừa một dịch vụ nào. Nó như cơn dịch lan tới cả những vùng quê yên bình vốn trước đây được tiếng hiếu khách. Bạn tôi vừa gọi từ Bến Tre than giá cả ở khu cồn Phụng giữa sông Tiền bỗng nhiên tăng mấy chục phần trăm, hay ở tận Khu du lịch Buôn Đôn, Đắk Lắk cũng tăng bất ngờ cả các dịch vụ truyền thống như cho thuê voi, theo lời một đứa cháu vừa gọi điện thoại cho hay! Đúng là chạy trời không khỏi nắng!
Mà nói đâu xa, ngay TP.HCM nhiều dịch vụ cũng tăng giá ăn theo ngày lễ. Cô bạn Việt kiều Pháp vừa về nước bảo thuê phòng ở một khách sạn quen trên đường Lê Lai, quận 1. Giá phòng tăng đột ngột với lý do dịp lễ cháy phòng! Cô đi ăn với hai ông bạn người Pháp về cùng ở một nhà hàng quen, thế mà cũng bị chặt đẹp. “Đúng là người Việt Nam mình có cái bệnh rất dở là quen mặt đắt hàng. Tôi đến New York, ghé phố Tàu ăn một quán quen, ba năm sau giá vẫn y như cũ. Mới hiểu tại sao người Tàu đi đến đâu họ cũng thành công” - bạn nói.
Nói New York chi cho xa, thử vô Chợ Lớn thôi, tôi đến một quán mì mà nhiều năm trước vẫn thường ăn khi làm việc ở khu này, ông chủ mừng rỡ niềm nở như gặp bạn cũ và nhất là giá vẫn không đổi sau hơn năm năm. Nói chung, chặt chém khi có cơ hội là căn bệnh trầm kha của người Việt mình. Điều đó lý giải rất nhiều khách quốc tế không muốn quay lại dù Việt Nam có quá nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên tuyệt vời.
Theo Khánh Vy (Pháp Luật TPHCM)