Đến chiều 15/10, dù đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bình Điền (thị xã Hương Trà, TT. Huế), nhưng anh Hồ Văn Thoàn (27 tuổi, trú huyện Đắk Rông, Quảng Trị) đến giờ vẫn chưa hết sợ hãi khi vừa thoát khỏi tử thần.
Theo anh Thoàn, trước đó nhiều ngày, khu vực thủy điện Rào Trăng 3 xuất hiện những trận mưa như trút. Để đảm bảo an toàn cho công nhân, cán bộ kỹ thuật tại khu vực thủy điện, mọi người chia nhau thành nhiều tốp trú ẩn trong khu vực nhà kỹ thuật và một số lán trại nơi đồi núi cao ráo.
Khuya 12/10, Thoàn cùng 6 công nhân đang ngủ tại lán trại thì bất ngờ nghe một tiếng nổ lớn, sau đó hàng tấn bùn, đất đá từ khắp nơi đổ ập xuống, san phẳng cả lán trại.
Liên tiếp sau đó, lũ chồng thêm lũ, đất đá tiếp tục cuốn bay tất mọi vật dụng lán trại, trong đó có 7 công nhân đang trú ẩn.
Chứng kiến sự việc quá kinh hoàng, tôi liền hét lớn: "Anh em đâu cả rồi! Nhưng giữa đêm khuya, chỉ nghe vài tiếng cầu cứu yếu ớt giữa tứ bề bùn đất nhão nhẹt", anh Thoàn, nhớ lại.
Trong bóng đêm mù mịt, anh Thoàn cố gắng mò mẫm tìm kiếm được 6 người đồng nghiệp nữa, rồi nhanh chóng cùng nhau chạy lên khu vực cao hơn để trú ẩn.
"Sau trận lũ quét kinh hoàng, tất cả mọi người trong lán trại đều bị trầy xước, quần áo rách tươm. Có người nước lũ cuốn xa lán trại hàng chục mét. Khung cảnh lúc đó rất hoang tàn, đất, đá, cây cối nằm ngổn ngang, la liệt khắp nơi. Cố lấy hết bình tĩnh, chúng tôi đã đi bộ hàng chục km đường rừng từ khu vực sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 để đến thủy điện Rào Trăng 4 cầu cứu. Khi đến nơi trú ẩn thì trời đã sáng", anh Thoàn thất thần kể.
Cũng là một trong những người may mắn từ cõi chết trở về, anh Hồ Văn Diêu (26 tuổi, trú Quảng Trị) nhớ lại, sau khi 7 công nhân tập hợp cùng nhau, anh Diêu và anh Thoàn cõng thêm một người chạy lên khu vực núi cao, nơi không có sạt lở.
"Trên đường di chuyển, chúng tôi may mắn tiếp cận được một chiếc ô tô của thủy điện liền di chuyển về hướng Rào Trăng 4. Đoàn đi được một đoạn, vì đường sạt lở nên mọi người đành di chuyển bằng ghe. Mãi đến 10 giờ sáng 13/10, chúng tôi mới tiếp cận được thủy điện Rào Trăng 4 và được đoàn cứu hộ bên ngoài cứu thoát", anh Diêu kể.
Trong những nạn nhân thoát chết hi hữu, nặng nhất có lẽ là ông Nguyễn Đình Minh (63 tuổi, quê Quảng Trị). Khi trận lũ quét ập xuống, đất đá cùng với thân cây rừng đã đè qua cơ thể ông Minh. Trong cơn hoạn nạn, giữa thời tiết lạnh rét cộng với các vết thương xây xước khắp người, ông Minh tưởng chừng như mình đã mắc kẹt trong đống đất đá.
Còn anh Hồ Văn Triều (25 tuổi) cũng bị bong gân sau cơn lũ quét và gần như không thể đi lại được. Thế nhưng, cả ông Minh và anh Triều đều may mắn được anh em của Thoàn giúp đỡ và thay nhau cõng 2 người này băng qua đồi núi để chạy khỏi nơi sạt lở. Trong suốt hành trình của mình, mọi người may mắn nhặt được vài gói mì tôm nên chia nhau cầm đói.
Liên quan đến vụ việc, Bệnh viện Đa khoa Bình Điền cho biết, 5 nạn nhân được điều trị tại bệnh viện có tên Nguyễn Thanh Quốc, Hồ Văn Diêu, Hồ Văn Thoàn, Nguyễn Đình Minh và Hồ Văn Triều. Riêng 2 công nhân còn lại sức khỏe tốt nên được cho về nhà. Hiện tại, sức khỏe 5 công nhân đều ổn định, chỉ bị trầy xước bên ngoài.
Theo Hà Nam - Bình An (Pháp Luật & Bạn Đọc)