Tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) lúc 19h, khu nhà ga nội địa, 5 màn hình thông báo lịch bay và tất cả màn hình khu vực check-in các hãng đều chạy dòng chữ thông báo sự cố kỹ thuật khiến những chuyến đến và đi đều trễ. Chuyến bay đến Hải Phòng trễ 3 giờ 45 phút, Quy Nhơn trễ 3 giờ 40 phút, Hà Nội trễ 3 giờ 30 phút...
Các hàng ghế quanh khu vực check-in chật kín người; cầu thang, hành lang hành khách tranh thủ nằm nghỉ ngơi. Một nhân viên Vietnam Airlines cho biết sau 18h sân bay mới hoạt động lại nên các chuyến bay đi và đến trễ từ 30 phút đến 4 giờ.
Anh Vũ Văn Thành, 40 tuổi, vừa làm xong thủ tục nhưng phải đến 22h30 anh mới lên máy bay, trễ hơn dự kiến gần 4 giờ. "Lúc chiều đọc báo thấy có máy bay gặp sự cố trượt khỏi đường băng nên nhiều chuyến bị trễ. Cũng may là tôi trễ chuyến trong ngày nên không ảnh hưởng nhiều", anh Thành nói.
Còn anh Võ Trương Thanh Hải, 33 tuổi, quê Bình Phước tỏ ra lo lắng vì chuyến bay đưa vợ anh từ Vinh vào Sài Gòn bị trễ hơn 4 tiếng. Hai vợ chồng phải về Bình Phước trong đêm và dự tính gần 1h sáng mới về tới nhà.
"Tôi đang cân nhắc ở lại hay chạy xe về nhà vì về khuya cũng mệt mỏi. Ngồi chờ từ 2h chiều ở sân bay nên cũng ngán lắm rồi", anh Hải cho biết.
Tương tự tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), bà Hứa Ngọc Trân, 55 tuổi, cùng chồng và người thân đến sân bay lúc đầu giờ chiều 14/6. Sau khi làm thủ tục, bốn người vào khu vực chờ bay chuyến lúc 14h25, hành trình Cam Ranh đi TP HCM bằng máy bay của hãng Bomboo Airway.
Lúc sau, họ được thông báo là chuyến bay bị hoãn. Tới 19h, gia đình bà Trân tiếp tục nhận tin báo trễ. Xung quanh, nhiều hành khách cũng rơi vào cảnh tương tự, ngồi chờ vật vờ.
Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh cho biết có 8 chuyến bay của các hãng không thể đáp xuống được sân bay Tân Sơn Nhất phải đáp xuống sân bay Cam Ranh. Các chuyến hoãn đang được thống kê.
Sự cố ở sân bay Tân Sơn Nhất khiến nhiều chuyến bay từ Nội Bài đi TP HCM vẫn chưa khởi hành được sau 19h. Trước đó khi sự cố xảy ra có 4 chuyến đã đón khách lên tàu buộc phải trở lại nhà ga đợi lệnh khởi hành mới.
Tình trạng trễ chuyến khiến hành khách phải chờ đợi nhiều giờ cũng diễn ra tại sân bay Đà Nẵng, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột... Ông Nguyễn Chánh Duy, Giám đốc Cảng hàng không Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) cho biết, 5 chuyến bay đến TP HCM phải đậu khẩn cấp ở sân bay này.
Hãng Vietnam Airlines cho biết, gần 165 chuyến bay của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific phải thay đổi giờ khai thác và chuyển hướng hạ cánh đến sân bay khác do ảnh hưởng sự cố tại sân bay Tân Sơn Nhất. Hãng Bamboo Airways cũng điều chỉnh kế hoạch khai thác 25 chuyến bay do ảnh hưởng của tình trạng này.
Sân bay Tân Sơn Nhất có hai đường cất hạ cánh. Theo Cục Hàng không Việt Nam, đường cất hạ cánh 25L được tạm thời đóng cửa để phục vụ công tác đưa máy bay Vietjet ra khỏi vị trí sự cố về sân đỗ. Đường cất hạ cánh 25R trước đó đang đóng cửa để phục vụ công tác khảo sát, cải tạo nâng cấp đã được mở trở lại lúc 18h30 để khai thác bình thường.
Trưa 14/6, chuyến bay VJ322 từ Phú Quốc (Kiên Giang) đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất trong cơn mưa lớn đã trượt khỏi đường băng. 217 hành khách và 8 thành viên tổ bay đều an toàn. Sự cố khiến hoạt động của sân bay phải dừng trong 6 giờ.
Tổ bay với cơ trưởng và cơ phó là người nước ngoài đã bị nhà chức trách thu bằng lái, cho đến khi kết thúc điều tra. Ngoài hai phi công, tổ tiếp viên 6 người cũng bị đình chỉ công tác và phải giải trình về sự cố.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam cho biết, cơ quan này đã lập tổ điều tra sự cố, qua đó giải mã hộp đen, đọc ghi âm buồng lái phi công và phân tích dữ liệu chuyến bay VJ322 để xác định nguyên nhân.
Theo Hữu Công - Hà An - Đoàn Loan - Xuân Ngọc - Trần Hóa (VnExpress.net)