Viên đá có kích thước to bằng bát cơm đã khiến hàng ngàn ngôi nhà, hoa màu… của người dân bị thủng mái, thiệt hại.
Gia đình anh Nguyễn Đình Sơn (xã Tân Thịnh, Chiêm Hóa, Tuyên Quang) bị thiệt hại sau trận mưa đá. Ảnh: Báo Tuyên Quang |
4 ngày sau thiên tai, ông Nguyễn Việt Lâm – Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa đã ra quyết định số 100/QĐ-UBND ngày 8/4/2016 về việc, hỗ trợ cho 3 địa phương trên 1,5 tỷ đồng (tương đương mỗi xã, thị trấn 500 triệu đồng) để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Nội dung quyết định không ghi rõ 1500 tỷ là tiền hỗ trợ nhà ở hay hoa màu, nhưng các cấp chính quyền từ huyện đến xã đều mặc định, số tiền này để hỗ trợ dân mua tấm lợp sửa mái nhà.
Tại xã Phúc Thịnh và thị trấn Vĩnh Lộc, 4 tháng sau ngày mưa đá hoành hành, người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ này.
Anh Nguyễn Văn Nghĩa – một người dân thuộc diện được nhận hỗ trợ cho biết: “Tôi phải thay lại toàn bộ tấm lợp của ngôi nhà, vì mưa đá làm thủng hoàn toàn. Tổng số thiệt hại khoảng 15 triệu đồng, gia đình tôi phải đi vay lãi để khắc phục. Đến nay mới trả gần hết nợ thôi.”.
Hỏi về số tiền hỗ trợ, anh Nghĩa khẳng định, đến thời điểm hiện tại gia đình anh và toàn bộ người dân thị trấn Vĩnh Lộc, xã Phúc Thịnh chưa nhận được đồng nào, dù rất nhiều lần được các tổ trưởng dân phố đi thống kê thiệt hại.
Theo ông Lê Anh Xuân – Trưởng thôn trung tâm, xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang thì các hộ dân trong thôn ông quản lý đã lợp lại toàn bộ mái nhà ngay sau khi dứt mưa đá. “Họ đều vay mượn để lợp lại mái nhà hết.”.
Ông Xuân cũng khẳng định, theo yêu cầu của UBND xã Phúc Thịnh, bản thân ông đã 4 lần đến từng hộ dân trong thôn để thống kê số tấm lợp bị thủng do mưa đá. Tuy nhiên, đến nay chưa người dân nào nhận được hỗ trợ từ chính quyền.
Ông Xuân khẳng định, đã nhiều lần đi kê khai thiệt hại nhưng chưa ai ở thôn ông nhận được tiền hỗ trợ. Ảnh: Thùy Linh. |
Theo số liệu thống kê từ chính quyền cơ sở, đối tượng hỗ trợ khoảng hơn 1300 hộ. Cụ thể: xã Phúc Thịnh: 450 hộ bị thiệt hại, xã Tân Thịnh: 535 hộ bị thiệt hại và thị trấn Vĩnh Lộc có 377 hộ bị thiệt hại.
Trên thực tế, chỉ duy nhất ở xã Tân Thịnh số tiền 500 triệu đã được giải ngân đến tay người dân.
Ông Hà Vĩnh Lục – Phó chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết, sau khi nhận tiền, xã đã gọi các trưởng thôn lên để rà soát danh sách kê khai thiệt hại. Sau đó, gọi từng hộ dân lên lĩnh tiền tạm ứng để sửa mái nhà. Cụ thể, mỗi hộ nhận số tiền khoảng 30% so với thiệt hạ thực tế từng hộ.
Làm việc với chính quyền xã Phúc Thịnh và thị trấn Vĩnh Lộc, đại diện các địa phương này đều khẳng định, đã nhận số tiền tạm ứng 500 triệu đồng từ ngân sách huyện. Lý do chưa giải ngân số tiền này cũng được các lãnh đạo nêu ra là... chưa có hướng dẫn.
Huyện tạm ứng 1,5 tỷ đồng hỗ trợ dân sửa nhà, nhưng chưa đến tay dân theo đúng chủ trương. Ảnh: TL. |
Ông Hà Kim Quốc Sỹ - Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Lộc cho biết, địa phương này chưa chi 500 triệu tiền hỗ trợ mưa đá vì huyện chưa có hướng dẫn về đối tượng thụ hưởng, mức hỗ trợ. Hiện số tiền này vẫn lưu giữ tại kho bạc nhà nước huyện, trong tài khoản của UBND thị trấn.
Ngoài lý do huyện chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể về đối tượng, mức hỗ trợ để cấp dưới thực hiện, ông Ngô Đình Sỹ - Phó chủ tịch UBND xã Phúc Thịnh còn khẳng định rằng: “Nếu chi tạm ứng, mỗi hộ dân chỉ được khoảng mấy chục nghìn đến vài trăm nghìn thôi. Chính người dân còn bảo, chừng ấy tiền chưa bõ, chờ tiền về đầy đủ thì lấy một thể”.
Đại diện UBND xã Phúc Thịnh cũng khẳng định, số tiền 500 triệu đang được lưu giữ trong tài khoản của xã gửi tại kho bạc nhà nước huyện Chiêm Hóa. Tuy nhiên, ông Nguyễn Song Tùng – Giám đốc kho bạc Nhà nước huyện Chiêm Hóa lại thông tin rằng: “Ngày 22/4 xã Phúc Thịnh đã rút 500 triệu tiền hỗ trợ thiên tai, chỉ còn thị trấn Vĩnh Lộc là chưa rút khoản tiền này.”
Trong khi chính quyền cơ sở chưa giải ngân hết số tiền 1,5 tỷ đồng vào mục đích hỗ trợ người dân bị thiệt hại do mưa đá thì mới đây, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tạm ứng nhiều tỷ đồng để sử dụng vào mục đích này.
Theo Thùy Linh (Zing.vn)