Hàng trăm học sinh khốn khổ vì nhà máy chế biến mủ cao su

25/09/2018 09:24:15

Nhiều năm qua, thầy trò Trường THCS Lê Hồng Phong và người dân tại xã Ia Krêl (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã phải sống chung với mùi hôi thối “bóp nghẹt” bầu không khí nơi đây, do nhà máy chế biến mủ cao su gây ra…

Hàng trăm học sinh khốn khổ vì nhà máy chế biến mủ cao su
Nhà máy chế biến mủ cao su khiến người dân và trường học trên địa bàn xã Ia Krêl lao đao suốt thời gian dài. Ảnh: Đ.Huy

Người dân đeo khẩu trang đi ngủ

Theo phản ánh của người dân sinh sống cạnh nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty 75 (xã Ia Krêl), thời gian qua, họ phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc. Những ngày nắng thì không sao, tuy nhiên đến khi mưa xuống mùi hôi từ nhà máy bốc lên khiến không khí tại khu vực trở nên ngột ngạt, khó thở.

Bà P.T.N (trú tại thôn Ia Kăm, xã Ia Krel) cho biết, gia đình bà đã sinh sống ở đây khá lâu. Vài năm trước thì mùi hôi thối cũng đã xuất hiện, tuy nhiên nó không nặng và “khủng khiếp” như hiện nay. Theo bà N, hơn 1 năm trở lại đây, khi nhà máy bắt đầu chế biến mủ tạp thì mùi hôi thối và khét lẹt xuất hiện nhiều. Do mùi khó chịu nên người dân khu vực không ai dám mở cửa, kể cả buổi tối.

“Nhà nào, nhà nấy trong thôn cũng đóng cửa kín mít, có khi ngủ mà phải đeo khẩu trang. Gần đây, nhà máy mới xây khu vực chứa nước thải, chứ trước đã từng xả trực tiếp ra hồ bên ngoài khiến cá chết rồi phải đền bù cho dân nữa”, bà N cho biết thêm.

Điều đáng nói, cạnh nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty 75 là Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Ia Krêl). Nhiều năm qua, các thầy cô giáo cùng học sinh nhà trường phải chung sống trong môi trường ô nhiễm, bởi hàng ngày mùi hôi thối từ nhà máy bốc lên gây ảnh hưởng đến quá trình dạy và học.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhà máy chế biến mủ cao su này chỉ nằm cách Trường THCS Lê Hồng Phong khoảng 200m. Vì vậy, mỗi khi nhà máy hoạt động thì mùi hôi thối ảnh hưởng không nhỏ đến nhà trường.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trịnh Xuân Giáp - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường hiện có hơn 400 học sinh đang theo học. Tuy nhiên, do có mùi hôi khó chịu nên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình dạy giảng dạy và học tập của thầy cô, học sinh.

Theo ông Giáp, mặc dù không khí bị ô nhiễm nhưng đây là môi trường sư phạm nên nhà trường không thể để các học sinh đeo khẩu trang trong giờ học được. Có những hôm thời tiết thay đổi, mùi hôi thối xộc vào lớp, các em vừa bịt tay lên mũi vừa ghi chép bài nên rất khó khăn và ảnh hưởng đến quá trình học tập.

Ngoài các phòng học, nhà trường còn có một khu tập thể cho các giáo viên ở xa nghỉ lại. Tuy nhiên, những giáo viên có con nhỏ cũng buộc phải mang con gửi đi nơi khác chứ không dám để ở đây vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe các bé.

Cần di chuyển nhà máy tới một vị trí khác hợp lý

Ông Giáp chia sẻ thêm, do không khí ô nhiễm, ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh nên nhiều phụ huynh đã có ý kiến với nhà trường. Sau đó, nhà trường cũng đã nhiều lần kiến nghị với xã vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, theo ông Giáp, nhà trường chỉ nhận được văn bản trả lời “đang chỉ đạo khắc phục” của UBND xã.

Anh N.V.K (một phụ huynh học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong) cho biết: “Ô nhiễm không khí, mình là người lớn chỉ chở con đi học một lát đã cảm thấy đau đầu không chịu nổi, mà con phải ngồi học cả buổi ở đó nên thấy xót lắm. Những năm trước chỉ có mùi hôi ở cơ sở thu mua cạnh trường thì còn nhẹ. Tuy nhiên, đến nay thêm mùi khét từ nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty 75 thì mùi càng nặng và khó chịu hơn nhiều”.

Cũng theo anh K, anh và các bậc phụ huynh đều mong muốn cơ quan chức năng kiểm tra tình trạng ô nhiễm quanh khu vực trường. Từ đó có biện pháp xử lý để các em học sinh có được môi trường trong lành, giúp cho việc học được tốt hơn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Đức Tỏa - Phó Giám đốc Công ty 75 cho hay, trước đây khi nhà máy xây dựng thì xung quanh chưa có hộ dân nào. Tuy nhiên sau này thấy thuận lợi cho việc sinh hoạt và đi lại nên người dân đến khu vực này sinh sống ngày một đông hơn.

Ông Tỏa cũng cho biết, việc người dân phản ánh mùi hôi bốc ra từ nhà máy chế biến mủ cao su thì không thể tránh khỏi? Tuy nhiên, quy trình sản xuất của Công ty luôn đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định nước thải cuối cùng của nhà máy còn có thể nuôi cá (?).

Cũng liên quan đến vấn đề trên, ông Trịnh Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su năm nào cũng diễn ra. Theo ông Thành, sau khi nắm bắt được vụ việc, UBND huyện đã yêu cầu các cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su phải đặt cách xa khu dân cư ít nhất 100m. Đối với các cơ sở không đủ điều kiện, huyện sẽ vận động tuyên truyền để di dời đến một địa điểm khác.

Ngoài ra ông Thành còn thông tin, trước đây huyện đã thuê đơn vị quan trắc môi trường tại khu vực trường THCS Lê Hồng Phong. Tuy có mùi hôi thối nhưng mức độ không đủ căn cứ để xử lý.

Ông Hoàng Đức Tỏa - Phó giám đốc Công ty 75 cho biết: “Phản ánh của bà con là đúng. Tuy nhiên, bản chất của nhà máy chế biến mủ cao su là vậy, không thể nào loại bỏ hết mùi hôi. Chúng tôi sẽ sớm khắc phục tình trạng này và làm công tác tư tưởng với bà con để mọi người yên tâm. Mặc dù thời gian này việc chế biến cao su đang gặp rất nhiều khó khăn vì giá cả thấp nhưng đơn vị luôn đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu”.

Theo Đức Huy (Giadinh.net.vn)

Nổi bật