Hàng trăm cây xanh đổ ở Hà Nội do chăm sóc chưa đúng kỹ thuật?

01/08/2016 09:22:00

Chuyên gia trong lĩnh vực cây xanh đô thị cho rằng, gần 700 cây xanh ở Thủ đô Hà Nội bị gãy đổ trong trận bão số 1 vừa qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chăm sóc cây chưa tốt, chưa đúng kỹ thuật.

 
Chuyên gia trong lĩnh vực cây xanh đô thị cho rằng, gần 700 cây xanh ở Thủ đô Hà Nội bị gãy đổ trong trận bão số 1 vừa qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chăm sóc cây chưa tốt, chưa đúng kỹ thuật.
 
Tiến sĩ Đặng Văn Hà trao đổi với PV Dân trí.

Liên quan đến việc hàng trăm cây xanh tại Hà Nội bị quật đổ trong trận bão số 1 vừa qua, PV đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Đặng Văn Hà - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Cảnh quan và Nội thất (Đại học Lâm nghiệp Việt Nam).

Cây đổ không chỉ tại “ông trời”

- Phóng viên: Trong trận bão số 1 vừa qua, tại Thủ đô Hà Nội đã có khoảng 1.000 cây xanh bị gãy đổ. Ngoài yếu tố bất thường về thời tiết, thì theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến việc cây xanh bị đổ hàng loạt như vậy?

- Tiến sĩ Đặng Văn Hà: Những cây to trên các tuyến phố ở Hà Nội hiện nay (không tính những cây nguy cơ đổ gãy cao như cây bị lệch tán, thân cây bị nghiêng, cây mục thân cành) những cây bình thường khi mưa bão cũng có nguy cơ đổ lớn bởi nhiều cây phần rễ cọc không phát triển do mực nước ngầm cao, hoặc có những cây rễ cọc bị cắt bỏ do trồng cây lớn, rễ cái (to) ăn ngang thì bị cắt do ảnh hưởng bởi thi công công trình ngầm và cải tạo vỉa hè.

Điều đặc biệt nữa là công tác duy trì cây ở Hà Nội lâu nay chưa tốt. Cây cắt tỉa theo kiểu cắt đuổi, chỉ cắt một số cành gọi là có nguy cơ gãy đổ, chồi mới sinh ra sau khi cắt cành cũng không được xử lý triệt để, chính vì thế những hiện tượng cây cao mấy chục mét, tán lớn, cành lá dày đặc gây nặng tán khi có mưa bão rất dễ đổ.

Cây khi lớn sẽ có nguy cơ lệch tán do chưa được quan tâm cắt tỉa từ nhỏ (Cây trên đường Bà Triệu - Hà Nội) - Ảnh do Tiến sĩ Hà cung cấp.
Cây khi lớn sẽ có nguy cơ lệch tán do chưa được quan tâm cắt tỉa từ nhỏ (Cây trên đường Bà Triệu - Hà Nội) - Ảnh do Tiến sĩ Hà cung cấp.

Ngoài ra cây nhỏ (cây vừa) bị đổ là do sau khi trồng công tác cắt tỉa thường xuyên để làm thưa tán, gọn tán hầu như chưa được quan tâm. Tôi lấy thí dụ hàng cây Lim tại khu vực ngã tư Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng, hàng cây này từ khi trồng đến nay phải hơn 10 năm, cây đã cao 9-10 m, tán 7-9 m, nhưng hầu như chưa được cắt tỉa để khống chế chiều cao và độ rộng tán, độ thưa tán, điều chỉnh cành cho tán cây phát triển cân đối so với yêu cầu.

Nói là cây đường phố nhưng nhiều có cây độ cao chỉ 1,5-2 m che khuất tầm nhìn giao thông, ảnh hưởng đến người đi bộ trên vỉa hè, đáng lẽ phải được cắt để bớt hại cây sau này. Với cách duy trì cây như vậy những cây loại này rất dễ gãy đổ.

Cây mới trồng nhưng không đúng quy định cây đường phố, bầu cây còn nguyên vỏ bọc, không được chống đỡ nên mới trồng đã đổ (đường Quang Trung - Hà Đông) - Ảnh do Tiến sĩ Hà cung cấp.
Cây mới trồng nhưng không đúng quy định cây đường phố, bầu cây còn nguyên vỏ bọc, không được chống đỡ nên mới trồng đã đổ (đường Quang Trung - Hà Đông) - Ảnh do Tiến sĩ Hà cung cấp.
 
 Cây cổ thụ nguy cơ gãy đổ do bị nghiêng thân và lệch tán (đường Bà Triệu - Hà Nội) - Ảnh do Tiến sĩ Hà cung cấp.
Cây cổ thụ nguy cơ gãy đổ do bị nghiêng thân và lệch tán (đường Bà Triệu - Hà Nội) - Ảnh do Tiến sĩ Hà cung cấp.

Một vấn đề nữa là cây mới trồng cũng đổ: Hiện nay, ở nhiều tuyến đường Hà Nội, trồng cây với kích thước lớn (cây giống đưa trồng đường kính 20 -25 cm, thậm chí có chỗ 30 cm, cây cao 5-7 m), những cây này sau khi trồng có thể sống nhưng hệ rễ sẽ kém rất dễ đổ nếu không được chống đỡ tốt.

Ngoài ra, một số nơi cây trồng mới chỉ sau 5-6 tháng thấy cây ra cành lá tươi tốt, dày đặc, đơn vị thi công đã bỏ chống, thí dụ hàng cây Sao Đen mới trồng trên đường Quang Trung - Hà Đông, trận bão vừa qua đổ la liệt. Một số cây ở nơi khác mới trồng được khoảng 4-5 năm, tán 3-5 m, tán rất dày đặc, cũng không được chống đỡ cẩn thận như cây Sấu, cây Lát hoa, Bằng Lăng... trồng trên nhiều tuyến đường mới. Tất cả những cây này bộ rễ mới chỉ có rễ tơ, nên gặp mưa và gió cũng rất dễ đổ.

Chưa có chuyên môn về quy hoạch cây xanh?

Cây xanh mới trồng đổ hàng loạt trên phố Kim Giang.
Cây xanh mới trồng đổ hàng loạt trên phố Kim Giang.

- Theo tôi quan sát, tại tuyến phố Kim Giang, Khương Đình, Thượng Đình… cây mới trồng được khoảng 1-2 năm cũng bị đổ hàng loạt. Phần lớn những cây đổ này bị bật gốc, lộ ra những hố trồng khá nông. Theo ông có phải do trồng ẩu mới dẫn đến việc cây bị đổ như vậy?

- Cây đã trồng được một thời gian sinh trưởng và phát triển rồi nói họ trồng ẩu, trồng không đúng kỹ thuật là không có cơ sở. Vì trong quy trình trồng cây ở Hà Nội có nói rất rõ quy định kỹ thuật đào hố và có bộ phận giám sát công nhân trồng cây.

Tuy nhiên, có thể đôi chỗ do công tác giám sát kém dẫn đến hiện tượng làm bừa, làm ẩu khi đào hố. Những cây này bị gãy đổ là do bộ rễ còn non chưa bám chặt vào đất và do đơn vị quản lý không chằng chống cẩn thận.

- Có người nói công tác quản lý và phát triển cây xanh đô thị ở Hà Nội vẫn còn manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Đây là câu hỏi đề cập những vấn đề lớn trong lĩnh vực cây đô thị. Về công tác quản lý: Sở Xây dựng Hà Nội cần sớm thành lập một Phòng hoặc Ban chuyên nghiên cứu về cây xanh. Cán bộ tham gia trong đơn vị này phải có những người đã được đào tạo về các lĩnh vực Lâm nghiệp đô thị, Lâm nghiệp và Kiến trúc cảnh quan. Trong đó, lực lượng được đào tạo về lâm nghiệp đô thị là chính.

Về công tác phát triển cây xanh: Hà Nội hiện nay mới chỉ có quy hoạch chung về cây xanh, nhưng những gì đã làm chủ yếu đề cập đến không gian xanh là chính. Còn về quy hoạch cây xanh theo đúng nghĩa chuyên môn có lẽ chưa có. Do đó, Hà Nội nên sớm xem xét lại vấn đề này và chọn những đơn vị có đủ uy tín chuyên môn trong lĩnh vực lâm nghiệp đô thị để thực hiện.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Dương (Dân Trí)

Nổi bật