Cơ sở chế biến mỡ bẩn ngay gần hố ga nhà vệ sinh mới được phát hiện ở Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên |
Ngày 20.4, ông Cao Xuân Thái - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.Đà Nẵng - cho biết: “Sản phẩm của các cơ sở sản xuất chế biến mỡ ở Đà Nẵng phần lớn được chuyển ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ, vì người dân ở đây không có thói quen dùng mỡ. Cơ sở sản xuất mỡ bẩn mới phát hiện ngày 19.4 cũng tiêu thụ sản phẩm ra ngoài đó cả, chỉ một phần nhỏ tiêu thụ ở các chợ Đà Nẵng…”.
Việc cơ sở sản xuất mỡ bẩn của ông Hoành tồn tại 3 năm nhưng nay mới bị phát hiện, theo ông Thái là do cơ sở này ẩn nấp ở nơi hẻo lánh, ít người qua lại nên khó phát hiện. Vụ việc được phát hiện và bắt quả tang xuất phát từ tin báo của người dân. Từ nguồn tin này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với trinh sát của Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Đà Nẵng mật phục và bắt quả tang.
Ông Thái cũng cho biết, lâu nay người dân Đà Nẵng đã cung cấp nhiều thông tin cho cơ quan chức năng về các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện Đà Nẵng có quy chế khen thưởng các nguồn tin này và sắp tới sẽ kiến nghị thưởng bằng tiền mặt cho các nguồn tin có giá trị để siết chặt việc thực phẩm bẩn “chạy” vào bữa ăn của người dân.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.Đà Nẵng thông tin, tình hình vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2016 trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp hơn. Cụ thể, trong năm 2015 phát hiện 92 trường hợp vi phạm và xử phạt hơn 159 triệu đồng, nhưng riêng 3 tháng đầu năm 2016 đã phát hiện 46 trường hợp vi phạm và xử phạt hơn 84 triệu đồng. Từ 15.4, Đà Nẵng bắt đầu tháng cao điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm, các lực lượng sẽ quyết liệt kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. |
Trao đổi về vụ việc, đại tá Trần Thanh Nhơn - Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an Đà Nẵng - cho biết: Qua trinh sát, lực lượng chức năng mới phát hiện ra cơ sở chế biến do cơ sở nằm sâu trong khu vực dân cư. Chủ cơ sở này thuê một nhà cấp bốn của người dân bỏ không. Theo đại tá Nhơn, tại buổi làm việc với lực lượng chức năng, ông Hoành khai nhận có giấy phép kinh doanh thịt tại chợ, rồi đi thu mua mỡ đưa về cơ sở trên sản xuất, chế biến bán cho các chợ. Tuy nhiên, ông Hoành lại không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ số mỡ, mất vệ sinh trong sản xuất, sản phẩm làm ra không có chứng nhận về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục đấu tranh khai thác và chưa có mức xử phạt cụ thể. Chúng tôi cũng đang làm rõ mức sai phạm, có dính dáng đến hình sự không rồi mới đưa ra khung xử phạt theo đúng quy định”, đại tá Nhơn nói. Kim Oanh |