Ngày 7/12, hàng trăm tài xế GrabBike tại TP.Hà Nội và TP.HCM đồng loạt kêu gọi tắt ứng dụng để phản đối mức chiết khấu lên tới 30% mà phía GrabBike mới áp dụng này.
Hàng trăm tài xế tắt ứng dụng đòi quyền lợi
Theo đó, tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe bao gồm hoa hồng trả cho hãng, 10% thuế VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân của tài xế. Mức này tăng từ 20-25% lên 27,273-32,841% (tùy theo hợp đồng hợp tác 2 bên). Tuy nhiên, Grab cho biết vẫn giữ nguyên mức hoa hồng, việc tăng khấu trừ là ở phần tăng thuế VAT theo Nghị định 126.
Trong sáng nay 7/12, 2 ngày kể từ khi Grab thông báo tăng chiết khấu, hàng trăm tài xế tại TP.Hà Nội và TP.HCM cho biết họ đã tắt ứng dụng. Rất nhiều tài xế đã đình công, kéo đến trụ sở của hãng Grab để phản đối, yêu cầu lời giải thích hợp lý từ hãng xe công nghệ này.
Theo chia sẻ của số đông các tài xế, việc liên tục tăng chiết khấu của hãng xe là bất hợp lý, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của đối tác. Họ cho biết, khi kí hợp đồng với hãng này Grab chỉ thực hiện chiết khấu ở mức 15% nhưng sau đó hãng xe công nghệ này liên tục tăng mức chiết khấu một cách chóng mặt, lên 20% vào tháng 8/2017, nay lại tăng tổng tỉ lệ chiết khấu lên đến 30%.
Anh Trần Văn Nhất (32 tuổi, Nga Sơn, Thanh Hoá) bức xúc cho biết hiện các tài xế GrabBike ngày càng phải cạnh tranh gay gắt không những với các tài xế hãng xe công nghệ khác mà còn với chính đồng nghiệp của mình. Do đó, việc Grab tiếp tục tăng chiết khấu khiến cho thu nhập của các tài xế ngày một giảm không còn ổn định như trước đây.
"Việc chạy GrabBike càng ngày càng khó khăn. Chúng tôi vừa phải đối mặt với sự cạnh tranh nhiều hơn từ các hãng xe ôm công nghệ khác mà các khoản chi phí cũng đồng loạt tăng lên. Công ty không những không chia sẻ, khuyến khích mà còn tăng chiết khấu một cách vô lý khiến chúng tôi rất bức xúc.
Bản thân mỗi tài xế chúng tôi, để thực hiện một cuốc xe phải chi trả rất nhiều khoản như xăng, hao mòn máy móc, tiền điện thoại... Nếu tăng đến 30% như hai ngày qua thì chúng tôi không thể chịu được nữa, khác nào chúng tôi làm không công", tài xế Nhất chia sẻ.
Tại TP. Hà Nội ngay từ sáng sớm, để phản đối chính sách mới của hãng xe công nghệ, nhiều tài xế đồng loạt kêu gọi tắt ứng dụng. Đến trưa, các tài xế tiếp tục kêu gọi gay gắt hơn khi Grab hẹn giải quyết vụ việc trong khoảng thời gian 15 ngày tới. Do đó, không ít tài xế tỏ ra bức xúc, họ cho biết sẽ tiếp tục kêu gọi mọi người tắt ứng dụng, đình công cho đến khi sự việc được giải quyết thỏa đáng.
Grab nói gì?
Lý giải về việc tiếp tục tăng chiết khấu lên 30% khiến tài xế phản ứng gay gắt, đại diện Grab cho biết kể từ đầu tháng 12/2020, Grab Việt Nam tiến hành điều chỉnh cước phí cơ bản một số dịch vụ Grab trên toàn quốc.
"Việc điều chỉnh này nhằm tái đầu tư vào các sáng kiến mới, giúp nghiên cứu mang lại nhiều tiện ích mới cho khách hàng trong tương lai, đảm bảo cơ hội thu nhập của đối tác tài xế trước tình hình giá cả thị trường có nhiều biến động trong những năm qua, đồng thời duy trì tính cạnh tranh của dịch vụ Grab", đại diện Grab cho biết.
Trước đó, vào giữa tháng 8/2017, Grab nâng mức chiết khấu GrabBike từ 15% lên 20%. Ngay sau đó, nhiều tài xế tại Hà Nội và TP.HCM đã đồng loạt kêu gọi tắt ứng dụng, đồng thời book cuốc ảo nhằm "dằn mặt" các tài xế không hưởng ứng, làm ảnh hưởng uy tín của hãng xe công nghệ này.
"Đảm bảo cân bằng hài hòa lợi ích của đối tác tài xế và người dùng là điều mà chúng tôi luôn ưu tiên. Chúng tôi sẽ không ngừng hoàn thiện, triển khai thêm nhiều tiện ích, ưu đãi dành cho đối tác tài xế và người dùng Grab tại Việt Nam trong thời gian tới", đại diện Grab nói.
Góc nhìn luật sư
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng trong các loại hình vận tải thì xe ôm công nghệ, taxi công nghệ là loại hình mới mà hệ thống pháp luật đang dần dần từng bước hoàn chỉnh để quản lý loại hình vận tải này bởi vậy việc phát sinh những tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên liên quan là có thể xảy ra.
Trong thời gian gần đây các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý, thu thuế của loại hình xe công nghệ này có những thay đổi đáng kể. Cụ thể, theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế, thì từ ngày 05/12/2020, mức thuế GTGT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu.
"Theo quy định này, nếu thuế GTGT với xe công nghệ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu và cước vận tải giữ nguyên, thu nhập của tài xế sẽ giảm 8%. Ví dụ, một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng thì tài xế nhận về khoản doanh thu 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối).
Với quy định tại Nghị định 126, tài xế sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng. Bản chất của thuế giá trị gia tăng là thu của người tiêu dùng, doanh nghiệp vận tải tăng vào giá cước để thu của người tiêu dùng nộp cho nhà nước chứ không phải là thuế mà doanh nghiệp phải nộp.
Với taxi công nghệ thì lái xe phải nộp thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn thuế giá trị gia tăng được tính vào giá thì khách hàng phải nộp. Tuy nhiên việc xác định thuế giá trị gia tăng sẽ làm tăng giá cước phí.
Không những thế, doanh nghiệp này đang có xu hướng những chi phí, thiệt thòi về phía người lái xe. Theo một số lái xe cho biết họ phải thu nộp về công ty đến 20%, thậm chí đến 30 % thuế giá trị gia tăng chứ không phải 10% như quy định. Chính vì vậy một số lái xe đã phản đối chính sách của hãng xe công nghệ này", luật sư Cường cho biết.
Theo luật sư Cường, trong trường hợp các lái xe công nghệ không đồng ý với chính sách mới của doanh nghiệp thì có quyền thể hiện thái độ, nêu ý kiến của mình với doanh nghiệp. Tuy nhiên việc phản đối, tụ tập đông người không được gây mất an ninh trật tự, gây rối trật tự công cộng.
"Trường hợp các lái xe quá khích tập trung đông người hò hét, đập phá, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội làm doanh nghiệp không thể hoạt động được hoặc gây ách tắc giao thông thì sẽ bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Còn trường hợp những người lái xe phản đối một cách "có trật tự", có kỷ luật không ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì vấn đề này pháp luật cho phép.
Có thể nói rằng người lái xe công nghệ mà người lao động vất vả, họ là lực lượng chính tạo ra giá trị cho các hãng xe công nghệ và họ đang phải chịu rất nhiều những thiệt thòi, rủi ro. Mỗi khi có chính sách mới thay đổi thì doanh nghiệp thường đẩy phần trách nhiệm, thiệt thòi cho người lái xe bởi vậy đã không ít lần các lái xe phản đối các chính sách mới của các hãng xe công nghệ.
Vấn đề này các cơ quan quản lý nhà nước cần phải xem xét cân nhắc để có những điều chỉnh phù hợp trên cơ sở pháp lý cũng như đảm bảo đời sống của người lao động", luật sư Cường giải thích.
Theo GIA ĐOÀN - HOÀNG LÊ (Pháp luật và bạn đọc)