Quan sát kỹ có thể thấy, que thử của nhà sản xuất vạch hóa chất ở chính giữa còn que sau khi bị nhân viên y tế cắt thì vạch hóa chất lại ở mép ngoài. Vì bị cắt nhỏ nên không đủ diện tích để viết mã số bệnh nhân theo chiều ngang que thử như quy định của nhà sản xuất mà phải viết theo chiều dọc. Sau khi phù phép nhân đôi hàng loạt que thử cả HIV và viêm gan B, mẫu máu của bệnh nhân được nhỏ vào để làm xét nghiệm. Khoảng 4 tiếng sau, kết quả xét nghiệm đã được trả cho bệnh nhân.
Với phương pháp xét nghiệm này, mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân ra về với kết quả trên tay mà không hề biết rằng chỉ có một nửa số vật tư y tế được sử dụng để các kỹ thuật viên làm xét nghiệm, trong khi đó, số tiền xét nghiệm lại vẫn phải đóng đủ theo quy định. Theo các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hóa sinh, đây là hành vi không thể chấp nhận được bởi hoàn toàn có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm của người bệnh.
Thông tin trên Infonet, GS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cho biết theo quy định của nhà sản xuất người ta sản xuất ra test thử nhanh để đảm bảo độ chính xác. Việc những nhân viên y tế “tranh thủ” cắt đôi que thử ra thì khó đảm bảo độ chính xác.
Việc thực hiện xét nghiệm bằng các sinh phẩm được lựa chọn trong một phương cách xét nghiệm cần bảo đảm nguyên tắc: sinh phẩm sàng lọc đầu tiên phải có độ nhạy cao, các sinh phẩm bổ sung phải có độ đặc hiệu cao ưu tiên các sinh phẩm có độ nhạy cao, tránh lựa chọn các sinh phẩm có cùng nhược điểm như âm tính giả hoặc dương tính giả trong cùng một phương cách.
Theo PGS. TS Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên bộ môn Hóa sinh, Trường Đại học Y Hà Nội việc cắt xé test xét nghiệm khiến sai lệch kết quả có thể xảy ra vì trong việc xét nghiệm kết quả xét nghiệm có chính xác hay không kỹ thuật viên phải tuân thủ theo quy định của nhà sản xuất. Nhà sản xuất quy định 1 mẫu xét nghiệm sẽ dùng 1 que thử thì nên làm đúng như vậy.
PGS Luật cho biết ông chưa từng nghe ở đâu lại cắt đôi test xét nghiệm như BV Xanh Pôn Hà Nội. Khi chẩn đoán dương tính trong xét nghiệm, HIV thì theo quy định xét nghiệm đó phải được thực hiện ở 3 nơi mới có thể kết luận bệnh nhân nhiễm virus. Viêm gan B thì phải có hàng chục xét nghiệm mới đánh giá được.
Theo báo cáo thống kê, hàng năm có khoảng hơn 2 triệu người xét nghiệm sàng lọc HIV được thực hiện, trong đó có khoảng 12.000-13.000 ca nhiễm HIV mới phát hiện. Việc bớt xén test xét nghiệm này dù chưa được thống kê, đánh giá mức độ sai số nhưng điều này cũng gây nguy hiểm cho người bệnh.
Quy trình xét nghiệm nhanh HIV và viêm gan B
Theo quy trình chuẩn xét nghiệm nhanh HIV và viêm gan B, sau khi lấy que thử ra khỏi bao đựng, kỹ thuật viên sẽ viết mã số bệnh nhân, tương tự mã số trên ống đựng mẫu máu vào phần để trống ở chiều ngang que thử. Tiếp đó, bóc lớp vỏ bảo vệ phía ngoài để lộ ra vạch hóa chất. Kỹ thuật viên lấy mẫu máu của bệnh nhân nhỏ vào phần dưới của vạch hóa chất này. Cả 2 phương pháp xét nghiệm nhanh HIV và viêm gan B đều thực hiện quy trình giống nhau và không có bất cứ bước nào phải sử dụng đến kéo. Sau 15 phút, kết quả sẽ hiển thị trên vạch hóa chất. Nếu xuất hiện 1 vạch đỏ nghĩa là bệnh nhân âm tính với viêm gan B và HIV, 2 vạch đỏ là dương tính.
Quy trình chuẩn như vậy, tuy nhiên, phòng xét nghiệm miễn dịch là nơi chỉ có những kỹ thuật viên mới được phép vào, chính vì thế nên sự việc gian dối trong xét nghiệm tại Khoa Vi sinh, bệnh viện Xanh Pôn đã được giấu kín suốt một thời gian dài mà không ai phát hiện ra.
HP (Nguoiduatin.vn)