Thông tin từ bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, BHXH Việt Nam cho biết, người hưởng mức lương hưu cao nhất cả nước hiện nay là cựu Tổng Giám đốc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM. Số tiền lương hưu được nhận là hơn 100 triệu đồng/tháng. Trước đó, dư luận chưa hết bàng hoàng khi cô giáo mầm non Trương Thị Lan, sau 37 năm công tác, Nhà nước phải cấp bù 37.000 đồng mới đạt mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng.
Đóng cao, hưởng cao
Theo BHXH Việt Nam, mức hưởng lương hưu dựa trên mức đóng, mức đóng cao thì hưởng cao, mức đóng thấp thì hưởng thấp và không có cách nào can thiệp được. Dẫn trường hợp người có mức lương hưu 100 triệu đồng/tháng, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, người hưởng mức lương hưu cao nhất cả nước vốn là lãnh đạo một công ty có vốn đầu tư nước ngoài, với 18 năm giữ cương vị Tổng Giám đốc. Toàn bộ quá trình làm việc đều theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định và luôn đóng BHXH ở mức rất cao.
Do giai đoạn trước ngày 1-1-2007 (ngày Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực thi hành) pháp luật không quy định khống chế trần tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nên vị lãnh đạo này đã được doanh nghiệp đóng BHXH trên nền tiền lương hàng tháng rất cao. Trong đó, có giai đoạn tiền lương hàng tháng làm căn cứ đóng BHXH cao nhất lên tới 249 triệu đồng.
Những năm còn lại, theo quy định trần mức đóng BHXH hàng tháng không vượt quá 20 tháng lương cơ sở nên ông này đóng 18 triệu đồng/tháng. Với mức đóng rất cao nên dù mức hưởng chỉ đạt 62% nhưng vào thời điểm nghỉ hưu tháng 4-2015, lương hưu của ông này là 87 triệu đồng/tháng và sau 2 lần điều chỉnh tăng lương hưu mới đây, con số này hiện là hơn 100 triệu đồng/tháng.
Theo quy định hiện hành, đối với BHXH bắt buộc, người lao động đóng BHXH hàng tháng là 32% tiền lương, trong đó doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ đóng 21,5%, người lao động đóng 10,5%. Do vậy, với người lương cao thì doanh nghiệp cũng phải đóng BHXH cho họ rất cao.
Hàng nghìn người lương thấp hơn cô giáo Trương Thị Lan
Mức lương hưu “khủng” của vị Tổng Giám đốc nêu trên khiến dư luận xã hội so sánh với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng của cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh. Phân tích nguyên nhân của sự chênh lệch, bà Đinh Thị Thu Hiền cho rằng, điểm khác biệt cơ bản về mức lương hưu cao hay thấp là ở số tiền lương đóng BHXH của từng người khác nhau. Đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp.
Theo số liệu từ Trung tâm công nghệ thông tin, BHXH Việt Nam, hiện đang có hơn 3.200 người phải hưởng mức lương hưu dưới mức lương cơ sở (lương cơ sở hiện nay là 1,3 triệu đồng/tháng). Ngoài giáo viên mầm non còn có những cán bộ cấp xã không chuyên trách đóng BHXH trên nền lương cơ sở.
Những người này đóng BHXH được 20 năm và đến tuổi nghỉ hưu thì chỉ nhận được khoảng 55-60% lương bình quân. Nhóm tham gia BHXH tự nguyện cũng sẽ phải nhận mức lương hưu thấp bởi có người đóng trên nền chuẩn nghèo hiện là 700.000 đồng, nên lương hưu cũng không bằng mức lương cơ sở.
Về vấn đề này, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng: “Cô giáo làm việc 37 năm đến khi nghỉ hưu chỉ nhận được 1,3 triệu đồng/tháng thì không ai có thể bằng lòng được. BHXH Việt Nam chỉ là cơ quan thực thi nhưng trong quá trình áp dụng pháp luật, phát sinh những bất cập phải có trách nhiệm báo cáo lại với cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động”.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, người hưởng mức lương hưu 100 triệu đồng/tháng là hợp lý vì họ đóng BHXH ở mức rất cao. Điều đáng bàn ở đây là khoảng cách giữa những người hưởng lương dưới mức tối thiểu với mức lương hưu trung bình ra sao?
Theo Phạm Phương (An Ninh Thủ Đô)